NĐT ồ ạt bán tháo cổ phiếu Tencent, Meituan; chỉ số Hang Seng cắm đầu lao dốc

28/07/2021 12:48 GMT+7
Các NĐT Trung Quốc đang quay lưng với những gã khổng lồ công nghệ vốn từng là trụ cột giúp thị trường vốn Trung Quốc thăng hoa trong những tháng trước đây.

Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, các nhà đầu tư nội đã bán ròng 33 tỷ HKD (4,2 tỷ USD) cổ phiếu Tencent Holdings chỉ trong tháng 7. Đây có khả năng là đợt bán tháo hàng tháng lớn nhất trong ít nhất 1 năm qua mà cổ phiếu Tencent ghi nhận, theo tính toán của Bloomberg.

Không nằm ngoài xu hướng, cổ phiếu gã khổng lồ giao đồ ăn nhanh Meituan cũng chứng kiến đợt bán ròng trị giá 13 tỷ HKD trong tháng này, đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ tháng 5 vừa qua.

Trên sàn Hong Kong, chỉ trong 2 phiên giao dịch 26-27/7, cổ phiếu Meituan bốc hơi 29% trong khi cổ phiếu Tencent giảm mạnh 16%. Đáng chú ý, trong hai phiên giao dịch đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 8,2%, mức giảm kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong đó, 3 mã cổ phiếu của 3 ông lớn công nghệ Meituan, Tencent và Alibaba chiếm hơn một nửa vốn hóa biến mất của toàn chỉ số này.

NĐT ồ ạt bán tháo cổ phiếu Tencent, Meituan; chỉ số Hang Seng cắm đầu lao dốc - Ảnh 1.

Toàn cảnh đợt bán tháo cổ phiếu Tencent mạnh nhất trong một năm qua (Ảnh: Bloomberg)

Xu hướng bán tháo cổ phiếu các ông lớn công nghệ Trung Quốc hiện nay hoàn toàn trái ngược với thời điểm tháng 2, tháng 3 năm nay; khi nhà đầu tư tiếp tục mua vào cổ phiếu Tencent dù mã này rớt giá. Định giá rẻ hơn của cổ phiếu Tencent khi đó vẫn có sức hút mạnh mẽ với giới đầu tư trong nước bất chấp việc nhà đầu tư nước ngoài lạnh nhạt hơn khi Bắc Kinh báo hiệu lập trường cứng rắn với các doanh nghiệp tài chính - kỹ thuật số nội địa. 

Dai Ming, một nhà quản lý quỹ tại Huichen Asset Management (Thượng Hải) cho biết: “Mức độ và quy mô cuộc “đàn áp công nghệ” của Bắc Kinh đã gây bất ngờ lớn. Nó vượt xa những quy định thông thường. Điều đó báo hiệu viễn cảnh rằng sẽ có thêm nhiều gã khổng lồ công nghệ phải “trả giá”. Bất cứ điều gì có nguy cơ gây ra rủi ro an ninh dữ liệu cho Trung Quốc đều sẽ bị trừng phạt nặng nề”.

Trước đó, hôm 24/7, Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) cho biết đã điều tra các hoạt động của Tencent trên thị trường âm nhạc trực tuyến Trung Quốc, trong đó bản quyền âm nhạc là tài sản cốt lõi. 

Tuyên bố cấm Tencent tham gia các thỏa thuận độc quyền bản quyền âm nhạc được đưa ra trong bối cảnh cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc để mắt đến Tencent vì hành vi cạnh tranh không công bằng trên thị trường âm nhạc trực tuyến sau khi mua lại tập đoàn China Music Corporation. Theo SAMR, Tencent hiện nắm giữ hơn 80% tài nguyên thư viện âm nhạc độc quyền trong nước sau thương vụ sáp nhập nói trên. Điều này đang hạn chế sự gia nhập của các công ty khác vào thị trường âm nhạc trực tuyến nội địa. 

Hồi đầu tháng, SAMR cũng chặn kế hoạch của Tencent nhằm hợp nhất hai trang web phát trực tuyến trò chơi điện tử hàng đầu đất nước là Huya và DouYu trên cơ sở luật chống độc quyền.

Đây là loạt động thái tiếp theo của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng quyền lực thị trường của các ông lớn công nghệ trong nước cũng như bảo vệ an toàn dữ liệu quốc gia. 

Hồi đầu tháng 7, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của gã khổng lồ gọi xe Didi Global do phát hiện gã khổng lồ này thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng. Vụ việc diễn ra ít ngày sau thương vụ IPO thành công của Didi trên sàn chứng khoán New York, Mỹ với số vốn huy động lên tới 4,4 tỷ USD.

Còn vào tháng 4, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã phải nhận khoản tiền phạt kỷ lục lên tới 18,2 tỷ NDT (2,8 tỷ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền. Số tiền tương đương 12% lợi nhuận ròng của Alibaba trong năm tài chính 3/2019-3/2020.


NTTD
Cùng chuyên mục