Petro Vietnam gây "ấn tượng mạnh" trong kết quả kiểm toán
Kết quả kiểm toán cho thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.
Theo báo cáo, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Khái quát kết quả, 30/31 đơn vị kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu ngân sách 10.896 tỷ đồng và 336.999 USD.
Hạn chế tiếp theo được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn (tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam): Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) 122 tỷ đồng; Công ty mẹ - MobiFone 510 tỷ đồng; VNPost 45 tỷ đồng; EVN 547 tỷ đồng; Tổng công ty Sông Đà 1.907 tỷ đồng...
Nợ khó đòi của Công ty mẹ Petro Vietnam là 11.368 tỷ đồng; PVFCCo (354 tỷ đồng); VNPT: Công ty mẹ 432 tỷ đồng, Vinaphone 385 tỷ đồng; Công ty mẹ - MobiFone 322 tỷ đồng; UDIC 166 tỷ đồng; VNS 328 tỷ đồng; Viglacera 199 tỷ đồng; Resco: Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 là 191 tỷ đồng (chiếm 91,28%); Dofico 172 tỷ đồng; Satra 266 tỷ đồng...
Báo cáo cũng nêu, một số doanh nghiệp thuộc Petro Vietnam gửi tiền tại OceanBank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp (Petro Vietnam: Công ty mẹ 5.026 tỷ đồng, 86.016.801 USD và 2.171 EUR; PTSC 229 tỷ đồng; PV Power 21 tỷ đồng và 102 USD; Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn 2.743 tỷ đồng; PVOIL 262 tỷ đồng, PV Trans 181 tỷ đồng; PVFCCo 284 tỷ đồng).
"Đặc biệt giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại hai ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng", Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính; sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hệ số bảo toàn vốn thấp, chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Ví dụ về sử dụng vốn không đúng mục đích như Sagri có 4 hợp đồng vay 11 triệu Euro và 150 tỷ đồng mục đích vay là bổ sung vốn lưu động nhưng Sagri chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể.
Cụ thể, lỗ lũy kế đến 31/12/2017: Petro Vietnam (Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí 3.377 tỷ đồng); Handico (Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà Hà Nội số 68 là 51 tỷ đồng); Viglacera 5/21 công ty con 81 tỷ đồng; Vietsovpetro: Công ty Cổ phần Chế tạo tầu và Giàn khoan dầu khí 581 tỷ đồng; Sagri: 2/05 công ty con 67 tỷ đồng. Riêng năm 2017 Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỷ đồng. Âm vốn chủ sở hữu cũng có tên Petro Vietnam (Công ty Cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí 1.780 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam 172 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỷ đồng); Viglacera (Công ty Cổ phần Viglacera Bá Hiến 17 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu 59 tỷ đồng)...
Những hạn chế được nêu còn là nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; góp vốn, sở hữu chéo với các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, tổng công ty, góp vốn vượt giới hạn không đúng quy định; lập báo cáo giám sát chưa đầy đủ, chưa ban hành quy chế người đại diện vốn.
Báo cáo của Kiểm toán cũng đánh giá, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Petro Vietnam không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.
Cụ thể, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD), dự án Danan - Iran và dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD). 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD).
Petro Vietnam còn chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Dự án Lô 67 chuyển vượt 142 triệu USD, dự án SK 305 chuyển vượt 15 triệu USD.
Tại thời điểm chuyển vốn đầu tư, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài chưa quy định về hạn mức chuyển vốn. Tuy nhiên, từ ngày 13/8/2016, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN có hiệu lực, tại khoản 6 điều 15 quy định "tổng số tiền chuyển ra nước ngoài... không vượt quá tổng vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài" và tại khoản 2 điều 17 Nghị định 124/2017/NĐ-CP cũng có quy định "nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án dầu khí nước ngoài trong hạn mức vốn đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài" nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh, báo cáo kiểm toán nêu.