Phần lớn linh kiện trạm gốc 5G của Huawei có xuất xứ từ Mỹ

12/10/2020 17:33 GMT+7
Tờ Nikkei Asian Review mới đây cho biết Huawei Technology hiện đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung chip và linh kiện Mỹ trong dây chuyền sản xuất thiết bị trạm gốc 5G, lĩnh vực mà Huawei đang dẫn đầu thị trường toàn cầu.
Phần lớn linh kiện trạm gốc 5G của Huawei có xuất xứ từ Mỹ - Ảnh 1.

Phần lớn linh kiện trạm gốc 5G của Huawei có xuất xứ từ Mỹ

Một phân tích của tờ Nikkei Asian Review chỉ ra rằng các bộ phận từ nhà cung cấp Mỹ chiếm gần 30% giá trị sản phẩm trạm gốc 5G Huawei hoàn thiện. Ngoài ra, thiết bị chip chính trong trạm gốc được cung cấp bởi một nhà sản xuất hợp đồng của Đài Loan là TSMC, đồng nghĩa với việc Mỹ có thể dễ dàng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu cho Huawei.

Hồi tháng 5, tờ Nikkei từng đưa tin: “TSMC đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ Huawei sau khi thay đổi quy tắc mới được công bố liên quan đến quy định kiểm soát xuất khẩu mới nhất của chính phủ Mỹ”. Tất cả những lô hàng được Huawei đặt trước tháng 5 đã được gấp rút sản xuất và giao hàng trước hạn chót 14/9 qua. Tức là tính đến hiện tại, Huawei đã mất đi nguồn cung chip từ nhà sản xuất chip chủ lực của hãng. Một nhà cung cấp của Huawei tại chính Trung Quốc là SMIC cũng đang phải nộp đơn xin chính phủ Mỹ chấp thuận để bán một số sản phẩm cho Huawei. MediaTek, nhà sản xuất chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm hiện cũng xác nhận đang chờ Mỹ xem xét cấp phép nối lại một số hoạt động kinh doanh với Huawei. 

Thực tế, các phát hiện của Nikkei cho thấy Huawei đang phải vật lộn để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Cụ thể, dưới sự hỗ trợ của phòng thí nghiệm Fomalhaut Techno Solutions (Tokyo), các chuyên gia Nikkei đã bóc tách 1 bộ phận trạm gốc 5G của Huawei (trạm băng tần thường đặt trên nóc các tòa nhà để xử lý tín hiệu thoại truyền đến và đi cũng như xử lý và mã hóa tín hiệu vô tuyến cho các liên lạc di động). Qua tính toán, chi phí sản xuất ước tính cho trạm gốc này là khoảng 1.320 USD, trong đó linh kiện do Trung Quốc sản xuất chiếm 48,2%, cao hơn cả mẫu smartphone Huawei Mate 30.

Nhưng nếu phân tích kỹ hơn, bộ vi xử lý HiSilicon chiếm phần lớn trong tổng giá trị các linh kiện Trung Quốc. Bộ vi xử lý này được sản xuất bởi TSMC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan, cũng là nhà cung cấp mới đây đã tuyên bố ngừng nhận mọi đơn hàng mới của Huawei theo Bộ Quy tắc mới của Bộ Thương mại Mỹ. Ngay chính công ty con Huawei là HiSilicon cũng sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ trong quá trình thiết kế các thiết bị chip. Ngoại trừ bộ phận này, chỉ có dưới 10% các linh kiện trạm gốc 5G có xuất xứ hoàn toàn từ Trung Quốc.

Chip và các thành phần linh kiện khác do Mỹ sản xuất chiếm tới 27,2% trong tổng chi phí sản xuất thiết bị. Ví dụ, các vi mạch dùng cấu trúc mảng phần tử logic (FPGA) được cung cấp bởi Lattice Semiconductor và Xilinx của Mỹ. Hay các thiết bị chip điều khiển nguồn điện đến từ hai nhà cung cấp Mỹ khác là Texas Instruments và ON Semiconductor. Một số linh kiện khác do Mỹ sản xuất bao gồm các thành phần bộ nhớ từ Cypress Semiconductor, bộ chuyển mạch viễn thông của Broadcom và bộ khuếch đại của Analog Devices.

Một giám đốc điều hành tại Fomalhaut cho biết: “Linh kiện (trạm gốc 5G Huawei) vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị do Mỹ sản xuất”. Sau Mỹ, Huawei cũng phụ thuộc vào nhiều bộ phận có xuất xứ từ Hàn Quốc, ví như chip bộ nhớ từ Samsung Electronics. 

Cho đến nay, Huawei vẫn được đánh giá là kẻ tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mạng 5G. Gã khổng lồ Trung Quốc hiện chiếm gần 30% thị phần toàn cầu về thiết bị trạm gốc di động, vượt mặt cả Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển.

Tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất, Huawei đã đánh bại các đối thủ bằng cách cung cấp sản phẩm với mức giá thấp hơn tới 40%. Điều này giúp Huawei xác lập sự hiện diện vững chắc ở Châu Phi và nhiều thị trường mới nổi khác. Việc Huawei trở thành một trong những kẻ xác lập tiêu chuẩn tương lai cho thị trường mạng 5G thế hệ mới cũng là nguyên nhân khiến Huawei bị cuốn vào trung tâm xung đột Mỹ - Trung kéo dài gần 2 năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục