Phí logistics “trên trời”, đẩy giá nông sản Việt lên cao
Ngành dịch vụ logistics tăng trưởng nhanh
Chia sẻ tại hội thảo lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới, chuyên đề phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tổ chức tại Nam Định ngày 16 -17/7, TS Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết, theo báo cáo logistics Việt Nam 2018, ngành dịch vụ logistics tiếp tục đà tăng trưởng của các năm trước với mức tăng trưởng khoảng 12-14% nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng.
Hệ thống logistics ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến vận chuyển, xuất khẩu nông sản. Ảnh: tư liệu
Ngoài hệ thống hạ tầng logistics ngày càng hoàn thiện thì các hình thức cung cấp nông sản thực phẩm cho người tiêu dùng rất phong phú và đa dạng như chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, trung tâm cung ứng nông sản an toàn...
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2011-2015, tốc độ tăng của siêu thị, trung tâm thương mại lần lượt là 7,5% và 11,6%/năm, góp phần làm thay đổi thương mại nội địa.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 189 trung tâm thương mại (tại 41/63 địa phương) và 957 siêu thị. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại tập trung tại các thành phố lớn và ở nội thành.
Trong khi đó, hệ thống trung tâm logistics mới được hình thành và phát triển chưa nhiều. Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 50 trung tâm logistics (trong đó có 8 trung tâm logistics hạng I, 38 trung tâm logistics cấp tỉnh, 1 trung tâm logistics chưa phân hạng).
Phí logistics cao, hạn chế tiêu thụ nông sản
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), dịch vụ logisitics phục vụ hoạt động xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ hư hỏng và chất lượng, hình thức hàng hóa.
“Chi phí logistics chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành của nhiều nông sản Việt, cụ thể, ngành thủy sản là hơn 12%, gỗ và sản phẩm từ gỗ 23%, rau quả 29,5% và ngành lúa gạo chiếm gần 30%. Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, thậm chí cao hơn Singapore 300%. Chi phí logistics quá cao đã gián tiếp giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới” - ông Kiên nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Phong cho rằng, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và giá cước vận tải cao cũng là một hạn chế cho logistics trong ngành nông nghiệp. Hạ tầng giao thông Việt Nam chắp vá, lạc hậu, chưa xác định hệ thống cảng cửa ngõ quốc gia (gateway). Có sự mất cân đối giữa các loại đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không.
“Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn thấp, năng lực vận chuyển, lưu kho còn hạn chế nên tỷ lệ tổn thất nông sản trong khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển còn cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics trong nước (3.000 doanh nghiệp) phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn trong chuỗi dịch vụ logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Hiện có hơn 80 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam chiếm giữ 70 - 80% thị phần” – ông Phong nêu một thực tế.
Đó chưa kể, các trung tâm logistics của Việt Nam hiện còn phân bố manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối.
Từ thực tế đó, để phát triển hệ thống logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Phong cho rằng, cần nâng cấp hệ thống vận tải một cách toàn diện theo hướng đảm bảo các hành lang vận tải đa phương thức đường thủy, đường hàng không, đường sắt, đường bộ bao gồm cả hạ tầng và phương tiện.
Xây dựng hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại với từng mô hình cụ thể khác nhau về quy mô, chức năng, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. “Các mô hình trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ gắn kết với nhau, phục vụ kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển” - ông Phong đề xuất.
Các mô hình trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ bao gồm: Các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại cấp tỉnh, thành đặt tại các thành phố lớn; các trung tâm thu gom nông sản đặt tại các vùng sản xuất trọng điểm; các trung tâm xuất khẩu nông sản đường biên đặt tại các tỉnh biên giới có các cửa khẩu quan trọng sang các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và mạng lưới các chợ vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Hạ tầng logistics gồm có các kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng thương mại, trong đó các khái niệm đã được đề cập bao gồm cả hạ tầng tĩnh như các công trình giao thông, chợ, siêu thị…; hạ tầng động như các phương tiện vận tải, và hạ tầng mềm là hệ thống thông tin và truyền thông.