Phố Wall 'cạch mặt' ông lớn dầu khí Trung Quốc do chính sách từ thời Trump

02/03/2021 09:46 GMT+7
Một trong những gã khổng lồ dầu khí hàng đầu Trung Quốc từng niêm yết trên phố Wall trong nhiều thập kỷ vừa trở thành nạn nhân mới nhất bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng Mỹ Trung.

Sở Giao dịch Chứng khoán New York cuối tuần trước thông báo sẽ hủy niêm yết CNOOC - tập đoàn dầu khí lớn thứ ba Trung Quốc vào cuối tuần này. Cổ phiếu của CNOOC sẽ bị ngừng giao dịch tại phố Wall kể từ 9/3 tới đây.

Sàn giao dịch New York cho biết đây là động thái tuân thủ sắc lệnh mà cựu Tổng thống Donald Trump đã ký vào tháng 11/2020, trong đó cấm các cá nhân và tổ chức tại Mỹ đầu tư vào các công ty bị chính phủ Mỹ nghi ngờ thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc.

Như vậy, CNOOC là công ty thứ tư của Trung Quốc bị sàn giao dịch New York áp dụng đồn thái trừng phạt như vậy. Hồi tháng 1, sàn này tuyên bố ngừng giao dịch các cổ phiếu của 3 tập đoàn viễn thông Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom.

Ông lớn dầu khí Trung Quốc CNOOC đã niêm yết tại phố Wall từ năm 2001 đến nay.

Phố Wall 'cạch mặt' ông lớn dầu khí Trung Quốc do chính sách từ thời Trump - Ảnh 1.

Gã khổng lồ dầu khí Trung Quốc CNOOC bị phố Wall "cạch mặt" từ ngày 9/3 tới đây

Đáp lại thông báo mới nhất của sàn giao dịch chứng khoán New York, đại diện CNOOC cho hay họ “lấy làm tiếc" về quyết định này, đồng thời đệ đơn lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông để cảnh báo rằng việc bị hủy niêm yết tại New York có thể làm biến động giá cổ phiếu tại Hồng Kông. Thực tế, cổ phiếu CNOOC tại Hồng Kông đã tụt 1,1% vào phiên giao dịch hôm qua 1/3.

Đây không phải lần đầu tiên ông lớn dầu khí Trung Quốc CNOOC lọt vào tầm ngắm của Washington. Vài ngày trước khi ông Trump rời nhiệm sở, các quan chức thương mại và quốc phòng Mỹ thuộc chính quyền Trump đã đưa CNOOC vào danh sách đen để hạn chế công ty này tiếp cận nguồn cung công nghệ Mỹ.  Vào thời điểm đó, cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross gọi CNOOC là “kẻ bắt nạt” khi tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Đông theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc.

Danh sách đen “Các công ty quân sự của Trung Quốc” mà CNOOC có tên được Lầu Năm Góc yêu cầu Bộ Quốc phòng xây dựng theo Bộ luật năm 1999. Nhưng mãi tới năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ mới công bố bản đầu tiên của danh sách này, bao gồm cả một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Hikvision, China Telecom, China Mobile. Cho đến nay, đã có 44 doanh nghiệp Trung Quốc lọt vào danh sách đen quốc phòng nói trên.

Quyết định hủy niêm yết CNOOC cho thấy Washington vẫn sẵn sàng gây áp lực với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực ngay cả khi ông Trump đã rời Nhà Trắng nhường chỗ cho người kế nhiệm - Tổng thống Joe Biden.

Thực tế, bản thân ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ hiện tại. Đầu tháng trước, ông Biden tuyên bố: “Tôi sẽ không làm theo cách của Trump. Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế mang tính đa phương… Chúng tôi không cần khơi mào xung đột, nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt… Chúng tôi sẽ đối mặt với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ… Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh chừng nào Washington muốn làm như vậy. Chúng tôi sẽ cạnh tranh từ một vị thế mạnh mẽ hơn bằng cách hợp tác với các đồng minh của Mỹ”.

Hồi giữa tháng 2, trong một bài phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich trực tuyến, ông Biden tiếp tục khẳng định: “Chúng ta phải đẩy lùi sự lạm dụng của chính phủ Trung Quốc làm suy yếu nền tảng hệ thống kinh tế quốc tế. Mọi quốc gia đều phải tuân theo các quy tắc như nhau”.



NTTD
Cùng chuyên mục