Tăng vốn cho “Big Four”: Nên ban hành Nghị quyết mới?
Báo cáo tình hình hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) của Ngân hàng Nhà nước gửi tới Quốc hội cập nhập đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.
Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng của các Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và VietinBank. Bởi vậy tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn) là một yêu cầu bức thiết.
"Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế", báo cáo đề cập.
Với mục tiêu này, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các NHTM Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank.
Tại báo cáo gửi tới Đại biểu Quốc hội, NHNN một lần nữa đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016 -2020; Nghị quyết số 26/2016/QH14 về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 và Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước…
Đây không phải là lần đầu tiên Thống đốc NHNN mới đề cập đến vấn đề tăng vốn cho các NHTM Nhà nước. Mà kỳ họp giữa năm của Quốc hội, cơ quan điều hành đã có kiến nghị tăng vốn. Chính vì sự cấp thiết của việc tăng vốn liên quan đến sự an toàn hoạt động của hệ thống TCTD, đảm bảo huyết mạch vốn cho nền kinh tế được thông suốt, nên tại kỳ họp này, NHNN vẫn kiên trì nêu lại việc cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước.
Riêng với Agribank, nhà băng này cũng đã kiến nghị, Chính phủ và NHNN sớm xem xét cấp bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cho Agribank theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và lộ trình đã báo cáo NHNN.
Đặc biệt, trong 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42, kết quả xử lý thu hồi nợ xấu là rất lớn nên trong trường hợp chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ cho phép Agribank để lại một phần số tiền thu từ nợ xấu đã xử lý rủi ro (phần vượt kế hoạch lợi nhuận hàng năm), phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để tăng vốn điều lệ.
Đặt trong bối cảnh hiện tại, giới chuyên gia thừa nhận, việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước là cấp thiết và không nên trì hoãn.
Đề cập tới các phương án được Thống đốc đưa ra trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội, ông Bùi Quang Tín – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, phương án ban hành riêng một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước sẽ là tối ưu nhất.
Ông Tín phân tích, "Dù tất cả các phương án trên được NHNN cân đong, đo đếm kỹ lưỡng và đều nhắm mục tiêu sử dụng vốn ngân sách nhà nước để tăng vốn. Nhưng tôi cho rằng, vì sửa đổi một Nghị quyết đụng chạm tới nhiều vấn đề, nhiều cơ quan ban ngành sẽ mất nhiều thời gian hơn. Nên ưu tiên giải pháp tối ưu để thông qua chủ trương này càng sớm càng tốt".
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng nghiêng về phương án ban hành một Nghị quyết mới. "Dù phải xin ý kiến các bộ ngành liên quan, nhưng thời gian thông qua một Nghị quyết chắc chắn nhanh hơn là phải xin ý kiến sửa đổi nhiều Nghị quyết", ông Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.
Riêng đối với cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn, theo vị chuyên gia này, không nên cào bằng trong việc cấp vốn mà dựa trên nền tảng lợi nhuận của các ngân hàng. Chẳng hạn, ngân hàng nào có lợi nhuận cao sẽ ưu tiên tăng vốn nhiều và ngược lại, thay vì cho phép tăng vốn dàn đều như nhau. "Hình thức này đảm bảo nguyên tắc thị trường, công bằng thưởng phạt rõ ràng chứ không có ưu ái cho bất cứ ngân hàng nào. Mặt khác, tạo điều kiện cho các ngân hàng nhanh chóng phát triển có lợi nhuận cao, kinh doanh hiệu quả", ông Nghĩa đánh giá.
Còn đối với ngân hàng lợi nhuận thấp mà Chính phủ vẫn muốn ưu tiên về mặt chính sách, theo gợi ý của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chính phủ nên phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, huy động vốn của dân để có nguồn ngân sách tăng vốn cho các NHTM này giống như gói định lượng QE1, QE2 của Mỹ.
"Nhưng những ngân hàng trong tình trạng như vậy việc tăng vốn cũng hạn chế để không khuyến khích những ngân hàng quốc doanh hoạt động kinh doanh không hiệu quả", vị này khuyến nghị.