Quản chặt các ngân hàng, "chống" móc nối hoạt động tín dụng đen
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen. Đây là một trong những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 8/2023.
Công điện này nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen...Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tín dụng đen còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động tín dụng đen, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động tín dụng đen.
Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động tín dụng đen.
Trước đó, vào đầu tháng 8 Ban Chính sách pháp luật cùng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát với gần 3.000 công nhân. Kết quả khảo sát cho thấy, do khó khăn về đời sống, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, trong đó hơn 3% thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Chia sẻ về tình trạng tín dụng đen hiện nay tại cuộc đối thoại về các chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen mới đây, Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an cho biết, hiện nay tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào cả công nhân lao động, học sinh, sinh viên.
Người lao động không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì lý do không có tài sản thế chấp. Khi xảy ra những vấn đề đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý, và đã tìm đến nguồn vay không chính thống. Do đó việc nhận diện các hiểm họa từ tín dụng đen là điều cần thiết.