Quan chức Trung Quốc ngỏ lời hợp tác với Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng và giải quyết nỗi lo lạm phát
Trong cuộc trao đổi trực tuyến với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers mới đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei bày tỏ kỳ vọng Bắc Kinh và Washington hợp tác giải quyết các vấn đề trong nền kinh tế. Ông Lou lập luận rằng “chủ nghĩa bảo hộ” là không có lợi cho song phương.
Lou Jiwei hiện là quan chức đứng đầu Ủy ban đối ngoại trực thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Trong cuộc thảo luận với ông Lawrence Summers, ông Lou cho hay: “Mỹ cần thúc đẩy tái thiết cơ sở hạ tầng” sau hàng loạt sự cố cơ sở hạ tầng thời gian qua, chẳng hạn như sập lưới điện ở Texas do siêu bão. Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc đề nghị Washington hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực này.
Đáp lại vị quan chức Trung Quốc, ông Lawrence Summers cũng bày tỏ sự ủng hộ Kế hoạch cơ sở hạ tầng của chính quyền Tổng thống Joe Biden, tuy nhiên phớt lờ lời kêu gọi hợp tác song phương của ông Lou Jiwei.
Cho đến nay, chính quyền Biden chưa tham gia cuộc đàm phán chính thức nào với Bắc Kinh để thảo luận về quan hệ đối tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dù hai bên có tổ chức một số hội nghị thương mại trực tuyến trong hai tháng qua.
Hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh hiện vẫn đang bị cuốn vào căng thẳng song phương liên quan đến hàng loạt vấn đề từ tranh chấp thương mại, cạnh tranh công nghệ, tranh cãi xoay quanh nguồn gốc đại dịch Covid-19 cũng như cáo buộc nhân quyền ở Tân Cương…
Căng thẳng đã tăng lên gần đây khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này kêu gọi Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cầu cảng, băng thông rộng để duy trì và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc. Vị quan chức ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cho hay: “Chính phủ Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác gần đây đã đưa ra những lập luận - cả công khai và riêng tư - rằng Mỹ đang suy tàn. Không gì có thể ngăn những suy đoán đó đến nhanh hơn nếu Mỹ không đầu tư một cách nghiêm túc vào công cuộc đổi mới đất nước ngay lúc này”.
Chỉ 3 thập kỷ trước, Mỹ đứng đầu thế giới về chi tiêu cho nghiên cứu về phát triển (dựa trên so sánh với GDP quốc gia) còn Trung Quốc chỉ đứng thứ tám. Giờ đây, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 9 còn Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai, Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn chứng. “Chúng ta có thể làm tốt hơn… Nhưng chúng ta đang tụt lại phía sau. Nhiệm vụ của chúng ta là duy trì lợi thế cạnh tranh và giao lại nó cho các thế hệ tương lai”.
Đến hôm 10/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, một bước tiến lớn đối với đảng Dân chủ trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Joe Biden. Dự luật cơ sở hạ tầng mới bao gồm 550 tỷ USD tài trợ cho cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng; bao gồm khoản đầu tư 110 tỷ USD vào đường xá, cầu cảng và các dự án đường bộ lớn, 66 tỷ USD đầu tư vào hệ thống đường sắt vận tải hành khách và hàng hóa, 65 tỷ USD đầu tư vào mạng lưới băng thông rộng, 55 tỷ USD đầu tư vào hệ thống nước, 39 tỷ USD cho hệ thống giao thông công cộng và các khoản chi tiêu khác.
Lạm phát là mối quan tâm chung
Cũng trong cuộc trò chuyện trực tuyến, hai quan chức cấp cao hai nước cũng chia sẻ những quan ngại về vấn đề lạm phát toàn cầu gia tăng.
Dữ liệu mới từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) trong tuần này cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 7 đã tăng vọt 9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt ước tính của các nhà phân tích và vượt cả mức tăng 8,8% hồi tháng 6.
Tại Mỹ, lạm phát tiêu dùng cũng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 13 năm vào tháng 6 vừa qua. Mỹ chưa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7, nhưng dự kiến con số này cũng sẽ phản ánh đà tăng nhanh của lạm phát tiêu dùng trong nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Mặc dù các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng đã giúp các chính phủ xoa dịu tác động kinh tế trong thời kỳ đại dịch, nhưng ông Lou Jiwei cảnh báo nó cũng dẫn đến hiện tượng giá hàng hóa tăng liên tục gây tình trạng lạm phát ngay cả khi chi tiêu tài khóa giảm dần.
“Rủi ro lạm phát có thể tăng cao nếu chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài quá lâu, nhưng các rủi ro khác như tăng lãi suất có thể xuất hiện nếu nó kết thúc quá sớm. Thời điểm điều chỉnh chính sách là rất quan trọng” - ông Lou nhấn mạnh, đồng thời dự báo Cục Dự trữ Liên bang Fed có khả năng cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng vào năm tới trước khi tăng lãi suất trở lại.
Về phía ông Summers, ông này chia sẻ những lo ngại tương tự về rủi ro lạm phát. “Tôi thực sự quan ngại về vấn đề lạm phát trong trung hạn tại Mỹ”.
Tại Trung Quốc, tầm quan trọng của việc quản lý lạm phát cũng ngày một tăng cao sau các chính sách tiền tệ gần đây, khi ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC bất ngờ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, động thái được dự báo sẽ giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ thanh khoản (154 tỷ USD) vào nền kinh tế trong dài hạn.