Lo đất hiếm bị cuốn vào xung đột Mỹ Trung, các nhà sản xuất ô tô phương Tây hành động

19/07/2021 17:15 GMT+7
Khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và các chuyên gia dự báo đất hiếm có khả năng trở thành một mặt trận mới của xung đột, các nhà sản xuất ô tô phương Tây đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.

Kim loại đất hiếm là vật liệu chính để chế tạo các nam châm vĩnh cửu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc cách mạng xe điện mà các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang theo đuổi. Hiện nay, Trung Quốc xuất khẩu 80-90% lượng đất hiếm trên toàn thế giới.

Việc Trung Quốc giữ vai trò quan trọng như vậy trong chuỗi cung ứng đất hiếm đã làm dấy lên mối quan ngại về an ninh nguồn cung với các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản, vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Rất nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có các công ty Mỹ phải “dựa dẫm” vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện. Năm 2010, Trung Quốc từng cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong một cuộc xung đột thương mại. Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày một leo thang, điều này hoàn toàn có khả năng lặp lại với Mỹ.

Lo đất hiếm bị cuốn vào xung đột Mỹ Trung, các nhà sản xuất ô tô phương Tây hành động - Ảnh 1.

Một bộ pin đã hoàn thiện cho chiếc xe Nissan Leaf, trong đó đất hiếm là nguyên liệu quan trọng (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, có một vấn đề đáng quan ngại khác liên quan đến nguồn cung. Bắc Kinh hiện đang thúc đẩy khai thác đất hiếm, nhưng nhu cầu nam châm ngày một tăng lên khi các chính phủ khuyến khích chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã thổi bùng lên nhiều nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Nam châm đất hiếm được nhiều người ví như cách hiệu quả nhất để cung cấp năng lượng cho xe điện, trong khi Trung Quốc kiểm soát tới 90% nguồn cung kim loại này.

Một số nhà sản xuất ô tô từ lâu đã tìm cách thay thế đất hiếm bằng các nguồn nguyên vật liệu khác. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ mối lo lắng đảm bảo nguồn cung, mà còn do sự biến động giá cũng như vấn đề môi trường gây ra bởi chuỗi cung ứng đất hiếm. Nam châm đất hiếm được làm từ neodymium oxide. Giá neodymium oxide đã tăng hơn gấp đôi trong 9 tháng cuối năm ngoái và vẫn đang tiếp tục tăng, Bộ Thương mại Mỹ cho biết hồi tháng 6 rằng đang xem xét một cuộc điều tra tác động an ninh quốc gia của việc nhập khẩu đất hiếm. Nếu không có giải pháp hợp lý để thay thế đất hiếm, khả năng tiếp cận nguồn cung đất hiếm có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành xe điện.

Tại Nhật Bản, nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba quốc gia Nissan Motors đang xem xét loại bỏ đất hiếm ra khỏi động cơ dòng xe Ariya mới. 

Hãng xe sang Đức BMW cũng đang làm điều tương tự với dòng xe SUV chạy động cơ điện iX3 dự kiến ra mắt trong năm nay. 

Hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota Motor Corp của Nhật Bản và Volkswagen AG của Đức từng tiết lộ với Reuters về kế hoạch cắt giảm nguyên liệu đất hiếm trong chế tạo xe. 

Adamas Intelligence cho hay mặc dù đại dịch đã làm sụt giảm doanh số bán ô tô vào năm ngoái nhưng nhu cầu về loại nam châm đất hiếm trong xe điện đã tăng 35% lên 6.600 tấn chỉ trong năm 2020. Một nam châm vĩnh cửu trong động cơ xe điện có giá lên tới hơn 300 USD/ chiếc, tương đương khoảng 1 nửa chi phí động cơ.

Một quan chức ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc nói với Reuters rằng nếu loại bỏ rủi ro địa chính trị sang một bên, năng lực cung ứng của Trung Quốc có thể "đáp ứng đầy đủ nhu cầu đất hiếm của ngành công nghiệp ô tô thế giới." Nhưng nhìn chung, những mối quan ngại về nguồn cung đất hiếm đang làm chia rẽ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và các đối thủ phương Tây. Trong khi các nhà sản xuất xe điện phương Tây tìm cách cắt giảm, các công ty Trung Quốc với lợi thế tiếp cận nguồn cung đất hiếm dồi dào đang tiếp tục phát triển mạng các dòng xe sử dụng nam châm vĩnh cửu.


NTTD
Cùng chuyên mục