Dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc tác động mạnh như thế nào đến kinh tế toàn cầu?

10/08/2021 17:34 GMT+7
Chiến lược gia kỳ cựu David Roche cho biết việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế kiểm dịch Covid-19 có nguy cơ kìm hãm đà tăng trưởng quốc gia và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông David Roche - Chủ tịch hãng phân tích Independent Strategy, tâm lý nhà đầu tư với chứng khoán Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua khi Bắc Kinh liên tục siết chặt quy định trong hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ, giáo dục cho đến bất động sản.

Chiến lược gia toàn cầu này cho hay: “Thị trường trước đó cho rằng tình hình dịch Covid-19 là rất tồi tệ, nhưng kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi nhiều chính phủ lần lượt dỡ bỏ hạn chế kiểm dịch, mở cửa trở lại nền kinh tế… Nhưng điều đó không đúng với Trung Quốc lúc này (do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất tháng vừa qua). Và thị trường phải chấp nhận thực tế rằng không chỉ nền kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng mà kinh tế toàn cầu cũng có nguy cơ gánh hệ lụy (từ sự siết chặt trở lại các hạn chế kiểm dịch ở Trung Quốc”.

Dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc tác động mạnh như thế nào đến kinh tế toàn cầu? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hàng loạt tại Nam Kinh, Trung Quốc hôm 8/8 (Ảnh: Getty Images)

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo 143 ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn quốc hôm 9/8. Đây là ngày có số ca nhiễm mới lớn nhất kể từ tháng 1/2021 đến nay, theo Reuters. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay sự bùng phát trở lại đại dịch lần này là do biến thể delta dễ lây lan gây ra. 

Tờ Global Times cho biết đã có hơn 30 quan chức Trung Quốc phải nhận các hình thức kỷ luật khác nhau vì bị quy trách nhiệm xử lý không thận trọng làm bùng phát các ổ dịch Covid-19. Động thái diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng với quy mô lớn nhất kể từ làn sóng dịch đầu tiên với tâm chấn nằm ở Vũ Hán hồi đầu năm ngoái. Cho đến nay, đã có ít nhất 15 tỉnh của Trung Quốc ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Vũ Hán tuyên bố xét nghiệm tất cả công dân khi phát hiện 7 ca dương tính Covid-19 là công nhân nhập cư.

Ở miền trung Trung Quốc, tỉnh Hà Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh sau trận lũ lụt khiến hơn 300 người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán hồi tháng 7. Một cụm dịch tập trung tại một bệnh viện ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ Hà Nam đang lan rộng ra các khu vực khác. Các nhà quan sát lo ngại lĩnh vực sản xuất của Trịnh Châu, nơi tập trung nhà máy sản xuất và lắp ráp iPhone khổng lồ của Hon Hai Precision Industry Co. cũng như hàng loạt nhà máy của SAIC Motor Corp, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc có thể phải ngừng hoạt động nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan. 

Thành phố Dương Châu, miền đông Trung Quốc mới đây đã vượt qua Nam Kinh - nơi bùng phát đầu tiên của ổ dịch mới đây - trở thành điểm nóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất của Trung Quốc với 308 ca nhiễm được ghi nhận tính đến ngày 9/8, trong đó có 6 ca bệnh nghiêm trọng.

Mặc dù phần lớn dân số Trung Quốc đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19, các nhà chức trách vẫn rất thận trọng với đợt bùng phát dịch lần này do biến thể delta. Các địa phương hiện tại đang gấp rút tiến hành xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa khu vực phát hiện ca nhiễm để sớm kiểm soát ổ dịch.

Một số nhà kinh tế lo ngại cách tiếp cận “không khoan nhượng” của Trung Quốc trong xử lý đại dịch, bao gồm việc phong tỏa chặt chẽ các khu vực, có thể tác động nghiêm trọng đến đà phục hồi kinh tế của nước này. Các nhà kinh tế từ ngân hàng Úc ANZ đã viết trong một báo cáo hôm 10/8: “Nếu việc đóng cửa và tiến độ tiêm chủng không cho phép các địa phương đang thực hiện phong tỏa mở cửa trở lại vào giữa tháng 8 hoặc đầu tháng 9, chúng tôi sẽ cần xem xét lại dự báo tăng trưởng 8,8% cho Trung Quốc trong năm nay”.

Kinh tế toàn cầu chịu hệ lụy

Theo ông Roche, bất kỳ sự gián đoạn nào của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh là Trung Quốc đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các đợt đóng cửa tại nhiều địa phương trên khắp Trung Quốc có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mà Trung Quốc - nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới - đang giữ vai trò mắt xích quan trọng. Điều đó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy thương mại quốc tế, làm tăng chi phí hàng hóa, qua đó thúc đẩy đà lạm phát vốn đã cao trên toàn cầu. 

Ông Roche dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý III sẽ giảm từ 2-3% so với mức tăng trưởng mạnh mẽ 7.9% đạt được hồi quý II. Trong dài hạn, đà tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh sẽ ổn định ở mức khoảng 5-6%. 

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang trong quá trình thoát ra khỏi đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, dù rằng nước này đã đi trước toàn cầu về tốc độ phục hồi. Đà tăng trưởng của Trung Quốc hiện đang dần hội tụ với quỹ đạo tăng trưởng trong dài hạn, thấp hơn nhiều so với những gì thị trường kỳ vọng ở Trung Quốc” - ông Roche nói thêm.


NTTD
Cùng chuyên mục