Quan hệ ngoại giao Việt - Trung: Đặc biệt ở những dấu mốc "đầu tiên" (Bài 7)

Bình Nguyên thực hiện Thứ hai, ngày 31/10/2022 11:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, TS Trần Thị Thủy, Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa mối quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn.
Bình luận 0

LTS: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022.

"Đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới" - nội dung trong điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình ngay sau thành công của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập đến nội hàm cũng như mục tiêu của mối quan hệ Việt - Trung.

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài đi sâu vào phân tích, đánh giá lịch sử hợp tác nhiều mặt của 2 Đảng và 2 Nhà nước; nhận định của các chuyên gia về tầm nhìn và hợp tác chiến lược của 2 Đảng, 2 nước trong mục tiêu nói trên.

Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Văn hóa – lịch sử, Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để có những đánh giá sâu sắc hơn về ý nghĩa của chuyến đi này.

Quan hệ hợp tác sâu rộng

Có nhiều năm nghiên cứu sâu về lịch sử, văn hoá Trung Quốc, bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian qua?

- Tôi nhớ Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh từng phát biểu: "Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng dòng chảy chính là hữu nghị". Đúng thực sự như vậy, mối quan hệ Việt – Trung là mối quan hệ đặc biệt, nó đi qua nhiều cung bậc khác nhau, nhìn một cách tổng quan, hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính. 

Kể từ Đại hội XVIII, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc đến nay thì hợp tác hữu nghị vẫn là tính chất chính trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. 

Hiếm có một mối quan hệ ngoại giao nào vừa sâu vừa rộng như quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, với hơn 60 cơ chế hợp tác song phương. Trong những năm gần đây, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu chính quyền, nhân dân giữa hai nước vẫn diễn ra tốt đẹp.

Quan hệ ngoại giao Việt - Trung: Đặc biệt bởi những dấu mốc "đầu tiên" - Ảnh 2.

Đồng chí Lưu Kiến Siêu (bên phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đón Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh. Ảnh TTXVN.

Một trong những điểm đáng lưu ý là sự phối hợp ăn ý giữa hai nước trong công tác phòng chống dịch Covid - 19. Bà đánh giá thế nào về nhận định này?

- Trong đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ hơn hai nước thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Trung Quốc là một trong số những nước cung cấp nhiều vaccine Covid-19 cho Việt Nam, cả viện trợ và thương mại, hơn 7,3 triệu liều, cùng các khoản viện trợ để mua sắm thiết bị, vật tư y tế phòng dịch. Một số địa phương của Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam đã ủng hộ vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 cho các tỉnh biên giới của Việt Nam.

Đặc biệt, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và ngoại thương của cả hai bên. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bất chấp tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này phản ánh cách hai nước coi trọng mối quan hệ và giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong thời điểm khó khăn.

Cũng do tác động của đại dịch COVID-19, lãnh đạo cấp cao hai nước không gặp gỡ trực tiếp nhưng duy trì tiếp xúc và giao lưu dưới nhiều hình thức như điện đàm, hội nghị trực tuyến. Cụ thể, từ năm 2020-2022, Tổng Bí thư hai Đảng đã 4 lần điện đàm (tháng 1/2020; tháng 9/2020; tháng 2/2021 và tháng 9/2021). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình (tháng 5/2021). Thủ tướng Chính phủ hai bên có 3 lần điện đàm (tháng 6/2021, tháng 1/2022 và tháng 9/2022). Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc (tháng 6/2021).

Từ các kênh hợp tác Đảng, Chính quyền đến nhân dân tiếp tục được nhấn mạnh cả ở cấp trung ương và địa phương.  Các hoạt động như Năm thanh niên Việt – Trung, Diễn đàn nhân dân Việt – Trung vẫn tổ chức dưới hình thức trực tuyến, giữ sợi dây kết nối bền chặt.

Củng cố niềm tin

Bà đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác văn hóa xã hội giữa hai nước trong thời gian tới, khi Trung Quốc đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX?

- Việt Nam và Trung Quốc vốn đã có truyền thống tốt đẹp, nguyện vọng từ cấp Đảng, Chính Phủ, Nhà nước đến nhân dân luôn là hợp tác cùng phát triển. Sau Đại hội XX của Trung Quốc, tôi nghĩ vẫn nối tiếp điều đó. Đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

Khi tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc ổn định hơn, có những chính sách mở cửa, chúng ta sẽ thấy hợp tác giữa hai nước bùng nổ trên lĩnh vực du lịch, giáo dục, kinh tế chắc chắn sẽ nhộn nhịp trở lại. 

Quan hệ ngoại giao Việt - Trung: Đặc biệt ở những dấu mốc "đầu tiên" - Ảnh 3.

TS Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Văn hóa – lịch sử, Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội Đảng XX nước bạn. Theo bà, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng ra sao?

- Thành công Đại hội Đảng XX là dấu mốc quan trọng của Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, mục tiêu thoát nghèo, bước vào mục tiêu 100 năm lần thứ hai. Đại hội lần này đánh dấu họ bước vào hành trình tiếp theo.

Nhìn vào quá trình lịch sử ngoại giao giữa hai nước, ta thấy rõ truyền thống "lần đầu tiên" trong các sự kiện lớn.

Tháng 9/1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Việt - Hoa thân hữu hội, tiền thân của Hội hữu nghị Việt Nam Trung Quốc được thành lập. Đây là một trong các tổ chức hữu nghị với nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã không ngừng vun đắp cho sự nghiệp hữu nghị Việt-Trung.

Như ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.

Trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, năm 2008. Gần đây, năm 2017, ngay sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử lần thứ hai, quốc gia đầu tiên ông đến thăm là Việt Nam.

Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội Đảng tiếp tục truyền thống trân trọng lẫn nhau giữa nước, tiếp nối mạch nguồn, dòng chảy chủ lưu trong quan hệ hữu nghị.

Chuyến thăm củng cố niềm tin giữa hai đảng, nhân dân, điều đó sẽ có tác động tích cực trong nhiều lĩnh vực, kể cả các vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung do lịch sử để lại.

- Trân trọng cảm ơn TS Trần Thị Thủy về cuộc trao đổi này!

(Còn nữa)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem