Quảng Nam: Agribank chắp cánh cho nông dân làm giàu

29/06/2022 08:13 GMT+7
Những năm qua, được sự đồng hành và tiếp vốn có hiệu quả của Ngân hàng Agribank, mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Phất lên nhờ vốn Agribank

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Nguyễn Tổng (51 tuổi) ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được ông cho biết: Trước đây, vợ chồng ông làm nghề buôn bán trái cây ở trong miền Nam thấy họ trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên khi về quê vợ chồng ông bắt đầu làm theo để mong cải thiện thu nhập.

Mạnh dạn vay vốn nuôi cá, làm du lịch – nông dân xứ Quảng đổi đời - Ảnh 1.

Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Nguyễn Tổng ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là mô hình điểm của địa phương. Ảnh: Trần Hậu.

Năm 2017, vợ chồng ông bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất ruộng của gia đình với diện tích hơn 1.000m2, với những loại cây trồng như ổi, mận, mít, bưởi da xanh…. Cây ăn quả thích ứng với thổ nhưỡng của địa phương nên qua 2 năm nhiều cây cho trái bói, đã có sản phẩm thu hoạch.

Mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, năm 2019 vợ chồng ông đã vay vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô. Đến nay, quy mô vườn cây ăn trái có diện tích rộng hơn 4ha với 500 cây bưởi da xanh, 300 cây ổi, 200 cây xoài, 400 cây chanh và nhiều loài cây ăn quả khác…

Mạnh dạn vay vốn nuôi cá, làm du lịch – nông dân xứ Quảng đổi đời - Ảnh 2.

Với thủ tục nhanh chóng, nguồn vốn phát huy hiệu quả đã giúp khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rất hài lòng khi đến với Agribank. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Tổng chia sẻ: Nhiều nông dân như ông ban đầu khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn. Ông thấy Ngân hàng Agribank cho vay đối với những nông dân như ông là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Giúp họ có nguồn vốn để xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, qua đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái của ông đang phát triển tốt. Hàng năm, vườn cây ăn trái của gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng gần 200 tấn trái cây các loại, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các hội đoàn thể của xã. Đặc biệt là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc, tôi rất biết ơn ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi vay vốn để mở rộng quy mô vườn cây ăn trái của gia đình.

Mặc dù mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái mới hình thành được 5 năm nay nhưng gia đình tôi đã có của ăn của để, xây dựng được nhà cửa khang trang…", ông Tổng phấn khởi nói.

Mạnh dạn vay vốn nuôi cá, làm du lịch – nông dân xứ Quảng đổi đời - Ảnh 3.

Hàng năm, vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái của gia đình ông Tổng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Ảnh: Trần Hậu.

Mạnh dạn vay vốn nuôi cá, làm du lịch – nông dân xứ Quảng đổi đời - Ảnh 4.

Ngoài trồng cây ăn trái, ông Tổng còn mở thêm dịch vụ du lịch tham quan tại vườn. Ảnh: Trần Hậu.

Khi chưa có dịch Covid-19, bên cạnh cung cấp trái cây, vườn cây ăn trái của gia đình ông còn kết hợp phát triển du lịch sinh thái, với mỗi vé vào cổng tham quan khu vườn 30.000 đồng/người, hàng ngày đón hơn 100 khách đến tham quan. Dịch đã ổn định trở lại trạng thái bình thường mới, hi vọng rằng thời gian tới, dịch vụ du lịch sẽ khôi phục trở lại, khi đó gia đình ông sẽ có thêm nguồn thu nhập…

Ông Tổng nhớ lại khó khăn lúc mới khởi nghiệp: Ban đầu khi mới chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn vốn, lẫn kinh nghiệm. Việc chuyên canh cây ăn quả cũng không phải dễ, đòi hỏi nông dân phải thâm canh, nắm kỹ thuật, công nghệ và chịu đầu tư mới có được thành quả.

Được biết, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Tổng là mô hình điểm về phát triển nông nghiệp tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, mô hình sản xuất trồng cây ăn quả của ông Tổng còn giải quyết hơn 10 lao động tại địa phương với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp tục tiếp vốn cho "tam nông"

Còn tại huyện Duy Xuyên, được sự "tiếp sức" của Agribank, các hộ dân đã có vốn để mở rộng mô hình nuôi cá nước lợ trên sông Trường Giang, thời gian qua mô hình nuôi cá nước lợ phát triển rất mạnh tại vùng giáp ranh giữa xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình).

Mạnh dạn vay vốn nuôi cá, làm du lịch – nông dân xứ Quảng đổi đời - Ảnh 5.

Mô hình nuôi cá nước lợ của hộ ông Nguyễn Tấn Báu (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho lãi hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Trần Hậu.

Chúng tôi cùng cán bộ Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Duy Xuyên đến thăm mô hình nuôi cá nước lợ của ông Nguyễn Tấn Báu (59 tuổi) ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được ông cho biết: Trước đây ông làm nghề cào hến trên sông Trường Giang, ngoài ra đi làm thuê cho người ta cũng chỉ đủ để sống qua ngày, nhận thấy tuổi càng ngày càng lớn, ông đã quyết tâm tìm hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2019 từ nguồn vốn tích góp được ông bắt đầu xây dựng mô hình nuôi cá nước lợ (cá diêu hồng, trám đen). Ban đầu do vốn ít nên quy mô chỉ khoảng 200m2, sau hơn 5 tháng nuôi ông đã suất lứa cá đầu tiên và đã cho lãi 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Thấy mô hình nuôi cá nước lợ phát huy hiệu quả, tháng 5/2020 ông đã vay 500 triệu đồng của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Duy Xuyên để mở rộng mô hình, đến nay quy mô trang trại hơn 1.000m2, với 65 lồng nuôi cá, trong đó chủ yếu là cá diêu hồng.

Mạnh dạn vay vốn nuôi cá, làm du lịch – nông dân xứ Quảng đổi đời - Ảnh 6.

Có vốn Agribank tiếp sức, ông Báu đã có cuộc sống ổn định. Ảnh: H.S.

Ông Báu chia sẻ thêm, mô hình nuôi cá nước lợ này rất hiệu quả, sau khoảng hơn 5 tháng nuôi, bình quân ở mỗi lồng nuôi, người dân có thể thu lãi 10 - 15 triệu đồng. Giá bán cá diêu hồng trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Tùy theo kích cỡ của cá diêu hồng khi thu hoạch, giá bán ra có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu đạt trọng lượng hơn 1kg/con.

Hiện nay, mô hình nuôi cá của ông Báu cho doanh thu khoảng 6-7 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

Mạnh dạn vay vốn nuôi cá, làm du lịch – nông dân xứ Quảng đổi đời - Ảnh 7.

Có vốn, nông dân Quảng Nam mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có cuộc sống khấm khá, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Ảnh: Trần Hậu.

"Nhờ nguồn vốn vay của Agribank mà tôi đã mở rộng quy mô trang trại nuôi cá của gia đình. Mặc dù mới nuôi cá được hơn 2 năm nay nhưng gia đình tôi đã khá giả hơn trước rất nhiều…", ông Báu phấn khởi nói.

Những năm qua, Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Nam và các chi nhánh trực thuộc đã chủ động cung cấp vốn tín dụng cho người dân trên địa bàn để phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ cá thể…. Việc được tiếp cận nguồn vốn Agribank kịp thời, đã giúp cho nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, nhờ đó mà hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định. Agribank thực sự là "bệ phóng" chắp cánh cho nông dân xứ Quảng làm giàu.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục