dd/mm/yyyy

Quảng Nam: Đề xuất cơ chế hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà

Ngành nông nghiệp Quảng Nam đang dự thảo “Cơ chế hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà cho người dân các huyện trung du, miền núi tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”. Nếu đề án này được thông qua, dự kiến khoảng 7 năm tới, người dân sẽ có nguyên liệu gỗ rừng phục vụ xây dựng nhà ở, giảm sức ép lớn vào rừng tự nhiên.


Quảng Nam: Đề xuất cơ chế hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà - Ảnh 1.

Vườn ươm cây giống trồng rừng lấy gỗ làm nhà tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh:T.H

Giúp dân khai thác gỗ hợp pháp

Các vụ xâm hại rừng thời gian qua trong lâm phận rừng phòng hộ Đắc Mi (Phước Sơn), hay rừng phòng hộ Sông Tranh (Bắc Trà My) có nguyên nhân từ việc người miền núi thực sự có nhu cầu lấy gỗ để làm nhà ở. Trong khi đó, cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp của tỉnh lâu nay gần như tập trung vào rừng có chức năng phòng hộ và mục đích kinh tế. Gỗ rừng trồng phục vụ cho nhu cầu làm nhà chưa được quan tâm đúng mức.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, chính việc đóng cửa rừng tự nhiên, cùng với nhu cầu thực tế về lấy gỗ làm nhà của người dân, đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp phù hợp về lâu dài để có nguồn gỗ cơ bản đáp ứng nhu cầu làm nhà cho đồng bào, đồng thời còn tạo ra nguồn nguyên liệu cung ứng cho xã hội. Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT xây dựng đề án trồng cây lấy gỗ làm nhà để trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp sắp đến.

Theo dự thảo đề án của Sở NN&PTNT, từ năm 2020 – 2025, các địa phương cần nguồn vốn 105 tỷ đồng để trồng rừng lấy gỗ làm nhà. Trong đó, kinh phí tạm tính hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân trồng cây phân tán hơn 6,1 tỷ đồng; hơn 99 tỷ đồng hỗ trợ cho các ban quản lý rừng phòng hộ huyện trồng rừng tập trung, chủ yếu cây bản địa. Nhu cầu sắp xếp, bố trí dân cư 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 là 17.810 hộ. Nếu tính đơn giản nhu cầu sử dụng gỗ để làm nhà mới hoặc tu sửa nhà cũ với mỗi hộ là 10m3 thì khối lượng gỗ cần để đáp ứng là 170.810m3, trung bình mỗi năm cần 21.400m3 gỗ.

Năm nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng Sông Thanh gieo ươm 400 nghìn cây xoan để cấp phát cho các hộ có nhu cầu trồng trong mùa mưa đến. Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Sông Thanh  - ông Đinh Văn Hồng cho biết, cây xoan, cây lim trồng 7 năm là có thể khai thác lấy gỗ làm nhà ở. Các địa phương miền núi có thể trồng các cây tếch, gáo vàng, xoan ta,  sao đen, dổi, lim xanh... thuận lợi để phát triển thành rừng gỗ lớn cung cấp nhu cầu gỗ làm nhà.

Sở NN&PTNT đánh giá, chất lượng rừng trồng đối với các loài cây keo, bạch đàn, xoan ta... trên địa bàn tỉnh còn thấp, năng suất bình quân 75m3/ha/chu kỳ 5 năm; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng hằng năm bình quân khoảng 1 triệu mét khối, gỗ chủ yếu làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ cung cấp cho các nhà máy băm dăm trên địa bàn tỉnh. Đối với diện tích rừng trồng cây bản địa (lim xanh, sao đen, dầu rái, lát hoa), hiện nay cây trồng mới chỉ được 10 – 13 năm tuổi, chủ yếu là rừng phòng hộ được trồng từ nguồn trồng rừng thay thế. Với chức năng phòng hộ là chính nên rừng trồng này chỉ được cho phép khai thác cường độ thấp (20%) thì sản lượng gỗ thu được từ đối tượng này cũng đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu gỗ làm nhà cho hộ gia đình, cá nhân.

Ưu tiên phát triển cây bản địa

Để cụ thể hóa kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng vườn ươm công nghệ cao và đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép xây dựng, như Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đã xây dựng dự án đầu tư trung tâm sản xuất giống nông - lâm nghiệp công nghệ cao tại xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) với diện tích 13ha; Công ty TNHH MTV Hào Hưng Đông Giang đầu tư xây dựng khu sản xuất cây giống chất lượng bằng công nghệ cao với diện tích 4ha tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih (Đông Giang); Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh đầu tư xây dựng vườn ươm giống cây gáo vàng với diện tích 0,5ha tại thôn Pà Lanh, xã Cà Dy (Nam Giang).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, việc xây dựng đề án trồng rừng lấy gỗ làm nhà phù hợp với chính sách sắp xếp, bố trí lại dân cư trên địa bàn tỉnh, theo Nghị quyết số 05, ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng tây của tỉnh. Nhu cầu sắp xếp, di dời bố trí tái định cư giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 ở miền núi là 17.810 hộ. Đến nay, các địa phương mới triển khai thực hiện việc di dời, sắp xếp chỗ ở tái định cư cho 5.549 hộ.

Sở NN&PTNT cho biết, tham gia đăng ký thực hiện đề án có 5 ban quản lý rừng phòng hộ các huyện gồm Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, ưu tiên với chủng loại cây trồng bản địa theo chu kỳ khai thác kéo dài hơn 10 năm.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, 5 chủ rừng sẽ trồng và chăm 3.400ha rừng trồng lấy gỗ làm nhà. Ngành lâm nghiệp xác định, cây sinh trưởng nhanh gồm các loài gáo vàng, xoan ta (thời gian khai thác từ 7 – 10 năm). Cây sinh trưởng chậm gồm các loài trám trắng, dầu rái, lim xanh, dổi, sao đen, huỷnh, chò, tếch. Thời gian khai thác trên 20 năm. Điều kiện để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân là cư trú tại địa phương và có đất sử dụng hợp pháp; trồng cây phân tán theo đúng cam kết.

Đối với các ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước giao rừng và đất rừng quản lý bảo vệ, có diện tích đất được quy hoạch là đất rừng sản xuất, phòng hộ tập trung, cam kết trồng rừng đúng theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền; diện tích trồng rừng tập trung liền vùng tối thiểu từ 0,3ha trở lên.

Trần Hữu