Quảng Nam: Mở rộng thị trường, Nam Giang nâng tầm sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: Những năm qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các cấp, các ngành tại huyện Nam Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từ đó tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, được người dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các cấp, các ngành trong huyện còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ, định hướng việc phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở lợi thế, thế mạnh của từng vùng.
Đặc biệt, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã có ý nghĩa không nhỏ trong việc giải quyết đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Huyện cũng tạo điều kiện để các chủ thể OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP.
Huyện Nam Giang tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể một số nội dung để hoàn chỉnh sản phẩm tham gia chương trình OCOP như: đăng ký kinh doanh, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì sản phẩm đúng theo quy định….
Ông Chương cho biết thêm, qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, huyện Nam Giang đã có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP như: Túi A ĐHir của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Za Ra (2018); Rượu Tà Vạc cất Nam Giang (2019); Chuối rừng khô của Hợp tác xã sản xuất Thương mại và Dịch vụ Zơ Râm Bach (2019); Muối đặc sản Nam Giang (2020); Trà đậu đen (2020); Dưa kiệu A Điu (2021).
Ngoài tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2018-2022, năm 2023 Nam Giang tiếp tục triển khai thực hiện 2 sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển thành sản phẩm OCOP, gồm: Thịt heo đen xông khói Nam Giang của Hợp tác xã Dịch vụ - Thương mại Cà Dy và Măng nứa khô của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp La Dê.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm của huyện Nam Giang đã được nhiều người biết đến, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững, phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, địa phương sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới - sáng tạo trong tư duy và phương thức sản xuất, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực góp phần nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương.
"Trong thời gian tới, huyện Nam Giang sẽ tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế của địa phương; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể có thể liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ để chương trình OCOP thực sự mang lại hiệu quả cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm qua đó nâng cao thu nhập cho người dân…", ông Chương cho hay.