Quảng Nam: Người dân Nông Sơn đổi đời nhờ thay đổi tư duy sang làm kinh tế nông nghiệp

13/11/2023 05:38 GMT+7
Thời gian qua, kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã để lại dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Điều đáng mừng là người dân đã thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Kinh tế nông nghiệp khởi sắc

Được sự hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, người dân Quảng Nam nói chung và huyện Nông Sơn nói riêng đã thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

Nhiều năm canh tác bắp, sắn nhưng hiệu quả kinh tế thấp, năm 2020, ông Võ Hưng Khánh ở tổ dân phố Trung An, thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư lại vườn trồng cây ăn quả.

Quảng Nam: Kinh tế vườn, kinh tế trang trại tạo hướng đột phá cho huyện miền núi Nông Sơn - Ảnh 1.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Võ Hưng Khánh ở tổ dân phố Trung An, thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được vườn cây ăn quả rộng hơn 3.300m2. Ảnh: T.H.

Trên diện tích hơn 3.300m2, ông Khánh trồng 70 gốc bưởi da xanh Đại Bình, quanh tường rào trồng 20 cây dừa xiêm, cau để chắn gió. Đầu năm 2023, ông Khánh được hỗ trợ giếng khoan, hệ thống tưới nước, cây giống và chỉnh trang cải tạo vườn từ Nghị quyết 35 HĐND tỉnh với kinh phí 72 triệu đồng.

Ông Khánh cho biết, trước đây cây thiếu nước nên phát triển chậm, ra nhánh yếu. Gần một năm được hỗ trợ giếng và hệ thống tưới, cây xanh tốt, lá dày và xanh mướt hơn hẳn. Các hạng mục hỗ trợ của Nghị quyết 35 giúp người làm vườn khắc phục được tình trạng thiếu nước, việc bón phân cho cây cũng có tác dụng hơn.

"Không chỉ giúp cây trồng phát triển, việc hỗ trợ thiết kế, chỉnh trang vườn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng giúp chúng tôi tạo được một khu vườn đẹp mắt, đúng kỹ thuật. Từ đó, hình thành những khu vườn mẫu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn phục vụ du lịch sinh thái sau này…", ông Khánh vui mừng nói.

Quảng Nam: Kinh tế vườn, kinh tế trang trại tạo hướng đột phá cho huyện miền núi Nông Sơn - Ảnh 2.

Đời sống người dân huyện miền núi Nông Sơn khởi sắc nhờ thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Ảnh: T.H.

Gần 20 năm trước, khi thấy vườn tạp không có hiệu quả kinh tế, ông Trần Văn Ly ở thôn Bình Yên, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn đã phá bỏ và trồng bưởi trụ Đại Bình, mít... trên diện tích 2.000m2 vườn nhà. Vài năm sau thu hoạch, thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Ly mạnh dạn đầu tư mở rộng vườn cây ăn quả.

Quảng Nam: Kinh tế vườn, kinh tế trang trại tạo hướng đột phá cho huyện miền núi Nông Sơn - Ảnh 3.

Ông Khánh đang chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: L.T.

Đến nay, ông Ly có 4 vườn với tổng diện tích 1,2ha, trồng 300 gốc bưởi da xanh, 200 gốc bưởi trụ Đại Bình xen nhiều loại cây ăn quả khác như ổi, cam, quýt đường, chuối…. Theo Nghị quyết 35, năm 2022, ông Ly được hỗ trợ giếng khoan, hệ thống tưới nước, phân bón và hỗ trợ khoa học kỹ thuật. Nhờ đảm bảo nguồn nước tưới và chăm sóc đúng quy trình, hiện vườn cây ăn quả đang phát triển tốt.

Tương tự, ông Dương Văn Thương (thôn Bình Yên) cũng được hỗ trợ gần 85 triệu đồng từ Nghị quyết 35 để đầu tư cho vườn cây ăn quả rộng 4.000m2 của mình. "Hiện nay, bưởi da xanh, bưởi trụ Đại Bình trong vườn xanh tốt và bắt đầu cho trái đầu mùa…", ông Thương chia sẻ.

Động lực từ các chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, cùng với triển khai Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 - 2025, HĐND huyện Nông Sơn cũng ban hành Nghị quyết 57 về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch giai đoạn 2022 - 2025.

Quảng Nam: Kinh tế vườn, kinh tế trang trại tạo hướng đột phá cho huyện miền núi Nông Sơn - Ảnh 4.

Sản phẩm bưởi trụ Đại Bình đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: T.H.

Việc triển khai lồng ghép các cơ chế trên đã tạo đà cho phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch trên địa bàn huyện. Năm 2023, Nông Sơn hỗ trợ phát triển 60 vườn với kinh phí 5,1 tỷ đồng từ Nghị quyết 35 HĐND tỉnh và Nghị quyết số 57 HĐND huyện. Theo ông Lanh, 2 năm qua, từ Nghị quyết 35 HĐND tỉnh, địa phương khảo sát hỗ trợ 112 vườn với kinh phí 6,6 tỷ đồng.

Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh đã bước đầu mang lại hiệu quả, sát thực tiễn sản xuất của người dân, đặc biệt phát huy tác dụng với địa phương có địa hình đồi núi như Nông Sơn. Các phương thức hỗ trợ giúp nông dân giải được bài toán thiếu nước tưới cho cây trồng, quy hoạch vườn bài bản theo hướng hữu cơ, tạo mô hình vườn đẹp, giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Quảng Nam: Kinh tế vườn, kinh tế trang trại tạo hướng đột phá cho huyện miền núi Nông Sơn - Ảnh 5.

Năm 2023, Nông Sơn hỗ trợ phát triển 60 vườn với kinh phí 5,1 tỷ đồng. Ảnh: T.H.

Ngành nông nghiệp huyện cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; khảo sát, chọn vườn đủ điều kiện và tập trung hỗ trợ người dân thực hiện khi có vốn. 

"Dự kiến, ngành sẽ xây dựng hội thảo chuyên đề sau 3 năm triển khai Nghị quyết 35 HĐND tỉnh để đánh giá hiệu quả các vườn đã được hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cũ. Đồng thời đánh giá tổng quan để tiếp tục triển khai nghị quyết sát đúng tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả cao hơn…", ông Lanh nhấn mạnh.

Linh Tâm - Trần Hậu
Cùng chuyên mục