Quảng Nam: Phấn đấu có ít nhất 70% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trong năm 2024

08/03/2024 07:27 GMT+7
Trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam phấn đấu có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt hạng 3 sao trở lên. Đồng thời, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường....

Đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Nam có 395 sản phẩm của 314 chủ thể được các cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó có 61 sản phẩm hạng 4 sao và 334 sản phẩm hạng 3 sao. Đến nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã lan tỏa, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận một cách tích cực.

Quảng Nam: Phấn đấu có ít nhất 70% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trong năm 2024- Ảnh 1.

Năm 2024, tỉnh Quảng Nam phấn đấu có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có từ 15-20 sản phẩm đạt 4 sao.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp 395 sản phẩm đã được công nhận. Phấn đấu có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có từ 15-20 sản phẩm đạt 4 sao.

Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã) tham gia OCOP; 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm....

Tỉnh Quảng Nam tiếp tục kế hoạch xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh).

Quảng Nam: Phấn đấu có ít nhất 70% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trong năm 2024- Ảnh 2.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam phong phú, đa dạng mẫu mã, chất lượng cao nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Thêm vào đó, các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên sẽ phấn đấu tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. Địa phương sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan để tổ chức ít nhất 2 Hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, ít nhất 1 đợt xúc tiến thương mại ra nước ngoài.

Ông Tuấn cho hay: "Phát triển Chương trình OCOP tỉnh sẽ ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm xây dựng thương hiệu, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, HACCP, ISO.... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lặp. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu ngày càng cao của thị trường".

Quảng Nam: Phấn đấu có ít nhất 70% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trong năm 2024- Ảnh 3.

Tỉnh Quảng Nam khuyến khích các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, livestream.

Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cần lồng ghép các hoạt động của Chương trình OCOP với triển khai nhiệm vụ chuyên môn của ngành, lĩnh vực quản lý để chủ động phát huy hiệu quả.

"Để đạt được những mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP năm 2024, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về sản phẩm OCOP; mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)", ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Tuyết Nhung - Trần Hậu
Cùng chuyên mục