Quảng Ngãi: Các sản phẩm từ mo cau, rau, hoa và còn những đặc sản nào ở huyện Tư Nghĩa được “gắn sao” OCOP?

07/12/2024 10:48 GMT+7
Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo hướng mở rộng các chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Ông Trần Thiên Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, giai đoạn 2015-2020, huyện Tư Nghĩa đã thu hút và tạo điều kiện cho 26 doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các trang trại chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn các xã như: Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của Công ty TNHH Hà Tân (xã Nghĩa Thuận), Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Nguyễn Văn Sáng (Nghĩa Thuận, Nghĩa Thắng).

Quảng Ngãi: Các sản phẩm từ mo cau, rau, hoa và còn những đặc sản nào ở huyện Tư Nghĩa được “gắn sao” OCOP? - Ảnh 1.

Các vật dụng chén, dĩa, muỗng được sản xuất từ mo cau. Ảnh: Hương Giang

Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, hình thành nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

"Nổi bật như: Trang trại trồng trọt của Công ty TNHH Công nghệ cao Qnasafe – Nghĩa Hiệp); Cơ sở trồng rau bằng phương pháp thủy canh của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Rau sạch Mầm Việt và hộ ông Phan Duy, xã Nghĩa Hòa; Cơ sở mật mía Miền xanh, Nghĩa Thuận; Cơ sở sản xuất, liên kết kinh doanh các loại nấm bào ngư và nấm linh chi của HTX NN Công nghệ cao An Phát – Nghĩa Kỳ... Ngoài ra, một số địa phương phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với làng nghề truyền thống như: Bún tươi Nghĩa Mỹ, Làng hoa Tết Nghĩa Hiệp, Nuôi tôm Nghĩa Hòa, Bố lốp cao su Nghĩa Hòa.." – Ông Thanh cho hay.

Quảng Ngãi: Các sản phẩm từ mo cau, rau, hoa và còn những đặc sản nào ở huyện Tư Nghĩa được “gắn sao” OCOP? - Ảnh 2.

Ông Trần Thiên Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa. Ảnh: Trần Hậu

Hiện nay, huyện có HTX NN Rau sạch Mầm Việt chuyên trồng và kinh doanh các loại rau bằng phương pháp thủy canh. HTX đã có 2 sản phẩm Rau cải và Rau dền 3 màu được đánh giá công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020. Hiện HTX tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại 2 sản phẩm trên.

HTX NN Công nghệ cao An Phát – Nghĩa Kỳ chuyên sản xuất, liên kết kinh doanh các loại nấm bào ngư và nấm linh chi. HTX đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2/2024.

HTX NN Dịch vụ hữu cơ An Tân – Nghĩa Thắng là HTX mới thành lập chuyên về chăn nuôi và trồng trọt. Hiện tại thành viên HTX đang thực hiện trang trại chăn nuôi heo an toàn kết hợp du lịch sinh thái.

Sản phẩm OCOP chất lượng

Theo ông Thanh, triển khai Chương trình OCOP, huyện Tư Nghĩa đã phân công cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thủ tục hành chính trong đăng ký và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; tư vấn mẫu mã, bao bì, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để xây dựng sản phẩm OCOP; hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đánh giá lại.

Quảng Ngãi: Các sản phẩm từ mo cau, rau, hoa và còn những đặc sản nào ở huyện Tư Nghĩa được “gắn sao” OCOP? - Ảnh 3.

Sản phẩm OCOP của huyện Tư Nghĩa được trưng bày. Ảnh: Hương Giang

Đồng thời phối hợp với các ban, ngành địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tham gia giới thiệu, quảng bá, kết nối cung – cầu.... Từ đó tạo động lực để những sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đến gần hơn với người tiêu dùng, tăng doanh thu, lợi nhuận và ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Ông Tôn Long Nghênh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tư Nghĩa cho biết: Đến nay, huyện Tư Nghĩa có 13 sản phẩm tiêu biểu được đánh giá, phân hạng đạt hạng OCOP 3 sao, gồm: Bộ sản phẩm từ mo cau (chén, đĩa, muỗng); Cao mật mía atiso Miền Xanh; Bộ hoa Nghĩa Hiệp (cúc, hồng, dạ yến thảo); Đường phối Mỹ Nhật; Đường phèn Mỹ Nhật; Chả bò Kim Đính; Chả lụa Kim Đính; Cao mật mía hà thủ ô Miền Xanh; Bộ sản phẩm yến sào Quý Thịnh; Rau dền 3 màu; Rau cải.... Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện có 4-6 sản phẩm tiếp tục được đánh giá, công nhận đạt hạng OCOP 3 sao.

Quảng Ngãi: Các sản phẩm từ mo cau, rau, hoa và còn những đặc sản nào ở huyện Tư Nghĩa được “gắn sao” OCOP? - Ảnh 4.

Sản phẩm rau cải đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Hợp tác xã rau sạch Mầm Việt, ở xã Nghĩa Hòa - Ảnh - Hà My

Chương trình OCOP đã góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Tư Nghĩa, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm cho lao động địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

"Huyện Tư Nghĩa sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng theo hướng VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Đồng thời tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP...", ông Thanh chia sẻ.

Tuyết Nhung - Trần Hậu
Cùng chuyên mục