Người giữ lửa cho làng nghề làm đường phèn ở Quảng Ngãi

06/12/2024 09:03 GMT+7
Nghề làm đường phèn xuất phát từ xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay số người theo nghề truyền thống còn rất ít, nhưng những giá trị, tinh túy nhất của nó vẫn tồn tại. Đường phèn vẫn là một thứ quà kết tinh từ những giọt mật của cây mía, là sản phẩm tượng trưng cho cốt cách của con người xứ Quảng.

Nức tiếng làng nghề làm đường phèn

Ngày nay, có nhiều nơi làm đường phèn, sử dụng công nghệ phát triển hiện đại để sản xuất đường phèn, thế nhưng ở Nghĩa Dõng, những người làm đường phèn vẫn bằng phương pháp thủ công, gìn giữ công thức gia truyền để tạo ra những "viên thạch anh" có hương vị riêng góp phần khẳng định tiếng thơm của làng nghề. Chính vì vậy, khi nói đến đường phèn Quảng Ngãi thì khách hàng đã "ưng cái bụng" vì có vị ngọt thanh, không quá gắt, dịu nhẹ, mang đến cho con người ta ấn tượng khó phai.

Người giữ lửa, tiếp sức cho làng nghề làm đường phèn ở Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Ông Đồng Văn Chính kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói. Ảnh: Thủy Xuân

Ông Đồng Văn Chính là người gắn bó với nghề làm đường phèn từ thuở nhỏ, đến nay cũng ngoài 70 tuổi kể rằng. Nghề làm đường phèn vàng có truyền thống trăm năm của người dân ở Nghĩa Dõng. Gia đình ông cũng truyền từ đời này qua đời khác. Trước đây, cả vùng ven sông Trà Khúc là nơi tập kết các vựa mía lớn nhất vùng, khi tới mùa thu hoạch, trâu bò trong làng phải kéo ép mía, cả vùng nổi lửa nấu mật đường.

"Đường phèn được làm từ mật mía và làm hoàn toàn bằng thủ công. Cứ đến mùa làm đường, xe ngựa tập trung nối thành hàng dài chờ nhận đường phèn, đường muỗng, đường chén, đường phổi chuyển đi khắp nơi tiêu thụ. Theo các cụ kể lại rằng, thời kỳ vàng son của nghề chính là đường phèn là sản vật quý, được chọn làm cống phẩm Hoàng triều" - ông Đồng Văn Chính chia sẻ.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, cuộc sống, nghề làm đường phèn dần bị mai một, không còn nhiều người theo nghề này nữa. Tuy nhiên, với ông Đồng Văn Chính thì lại khác, đó không chỉ là nghề cha truyền con nối mấy đời, mà là sự yêu mến, gắn bó, muốn giữ gìn tinh hoa của nghề làm đường phèn.

Người giữ lửa, tiếp sức cho làng nghề làm đường phèn ở Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Người thợ bằng kinh nghiệm, canh độ đường chín tới, rồi đổ vào thùng, chờ 7-10 ngày để đường kết tinh. Sau đó, người ta tách mật lấy đinh (tinh đường phèn), đập vỡ mang đi phơi. Khâu cuối cùng là phân loại, dồn đường thành các bao, chuyển tới người tiêu dùng. Ảnh: Thủy Xuân

"Tôi mong muốn giữ gìn nghề của cha ông truyền lại, từ cây mía làm nên đường phèn tạo thành thứ quà, sản phẩm đặc trưng của người dân xứ Quảng, đó cũng là sự tần tảo, chịu thương, chịu khó để tạo ra sản phẩm như vậy" - ông Chinh chia sẻ.

Theo ông Chính, nghề đường phèn rất kỳ công, để tạo ra đường phèn thì cần dùng đường trắng hoặc đường vàng pha với lượng nước nhất định, rồi cho vôi, trứng gà vào lọc tạp chất, làm dịu vị ngọt, gia tăng hương vị. Sau đó, hỗn hợp này được đun nóng với lửa nhỏ. Nước gần cạn thì tiếp tục đổ thêm nước vào đun. Người thợ bằng kinh nghiệm, canh độ đường chín tới, rồi đổ vào thùng, chờ 7-10 ngày để đường kết tinh. Sau đó, người ta tách mật lấy đinh (tinh đường phèn), đập vỡ mang đi phơi. Khâu cuối cùng là phân loại, dồn đường thành các bao, chuyển tới người tiêu dùng.

Nâng giá trị nhờ được công nhận sản phẩm OCOP

Chị Đồng Thị Vy - con gái ông Đồng Văn Chính là người hiện nay đang trực tiếp quản lý cơ sở cho biết: Nguồn nguyên liệu để làm đường phèn được cung cấp bởi chính từ các cơ sở ở vùng đất này. Bởi vì, thổ nhưỡng đất ở Quảng Ngãi làm cho cây mía có chất lượng đường tốt hơn ở những nơi khác, đặc biệt là mùa vụ tháng Ba lượng đường trong mía cao hơn những mùa vụ khác, chính điều này đã tạo nên hương vị đặc trưng của đường phèn Quảng Ngãi mà không nơi nào có được.

Người giữ lửa, tiếp sức cho làng nghề làm đường phèn ở Quảng Ngãi - Ảnh 3.

Đường phèn Bằng Lắm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Ảnh: Thủy Xuân

Theo chị Vy, đường phèn là loại đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi, do đó, du khách mỗi khi đến đây đều chọn mua đường phèn làm quà. Đường phèn vàng Quảng Ngãi có vị ngọt thanh, không gắt rất thơm mùi mật mía. Đường phèn có tính thổ nên tốt cho tỳ vị, giúp chống lão hóa, kích thích sản sinh các tế bào mới, tăng cường miễn dịch; có thể kết hợp ngâm đường phèn cùng mật ong, chanh đào dùng cho trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi khi thời tiết thay đổi; có tác dụng bổ phế. Ngoài ra, đường phèn còn thường được các bà nội trợ sử dụng làm gia vị để chế biến các món ăn thường ngày cho gia đình, đám tiệc… và pha chế đồ uống.

Đường phèn làm hoàn toàn thủ công, để có được những mẻ đường phèn thành phẩm, óng ánh, ngọt thanh và đẹp mắt. Người thợ phải bỏ ra biết bao nhiêu là công sức, tâm huyết và cả cái tâm của họ trong đó. Đồng thời, cần phải tuân thủ đúng quy trình làm đường phèn, vì chỉ cần làm tắt một quy trình, một công đoạn nào đấy, có thể đỡ tốn thời gian, công sức và cả giá trị là tiền nhưng sẽ không thể có được sản phẩm đường phèn hoàn chỉnh, thơm ngon. Đường phèn có màu vàng và màu trắng không phải do chất tạo màu mà là từ nguyên liệu đường cát vàng và đường cát trắng.

Trước đây, cơ sở sản xuất đường phèn của gia đình tiêu thụ chủ yếu là ở trong tỉnh, cung cấp cho các cơ sở làm dịch vụ du lịch, các quầy bán hàng đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình OCOP - mỗi làng một sản phẩm, thì đường phèn của xã Nghĩa Dõng được chọn làm sản phẩm đặc trưng. Chính vì vậy, cơ sở sản xuất của gia đình được các cấp chính quyền hỗ trợ rất nhiều, như hướng dẫn làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, tham gia các hội chợ, quảng bá, xúc tiến triển lãm sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… Từ đó, "sản phẩm đường phèn Bằng Lắm" của gia đình ông Đồng Văn Chính được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, uy tín cũng được nâng lên.

Người giữ lửa, tiếp sức cho làng nghề làm đường phèn ở Quảng Ngãi - Ảnh 4.

Địa phương đang hướng tới tạo sự liên kết sản xuất và làm các thủ tục để đưa sản phẩm đường phèn, đười phổi lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu đường phèn Quảng Ngãi và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: CTV

"Năm 2021, sản phẩm đường phèn, đường phổi Bằng Lắm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, sản phẩm đường phèn, đường phổi Bằng Lắm của gia đình tôi được tiêu thụ trên khắp cả nước, với sản lượng gần 1 tấn/ngày, giá bán dao động từ 32 - 35 nghìn đồng/kg" - chị Đồng Thị Vy phấn khơi chia sẻ.

Cơ cở sản xuất của gia đình chị Vy còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dõng, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Dõng có 4 cơ sở chế biến đường phèn, đường phổi truyền thống, năm 2021 cơ sở Bằng Lắm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ các hộ còn lại hoàn thiện các thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP, hướng tới tạo sự liên kết sản xuất và làm các thủ tục để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu đường phèn Quảng Ngãi đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thủy Xuân
Cùng chuyên mục