Quảng Ngãi: Lạ mà hay, nuôi ghép tôm - cua- cá trong ao, nhưng cho hiệu quả kinh tế bất ngờ
Hiệu quả bất ngờ với mô hình nuôi ghép tôm- cua- cá
Trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài đã gây những ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Để giúp người dân nuôi trồng thủy sản của huyện Bình Sơn ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn đã triển khai Dự án "Vùng nuôi thủy sản nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu" đã góp phần làm thay đổi phương thức nuôi tôm độc canh thường xảy ra dịch bệnh, sang nuôi ghép tôm – cua – cá thân thiện với môi trường, dễ nuôi và ít xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi.
Ông Nguyễn Hoàng Phương ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn tham gia mô hình cho biết, gia đình ông thả cua và cá đối trước khi thả tôm giống 01 tháng vì cua và cá đối có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn tôm thẻ chân trắng. Điều quan trọng hơn là sau một tháng thả nuôi, cua và cá đối sinh trưởng, phát triển tốt trong ao. Nhờ đặc tính ăn tạp của cá đối mà mùn bã hữu cơ và rong, tảo nơi đáy ao nuôi được dọn sạch, thông thoáng, các loại tảo có lợi và sinh vật phù du trong ao phát triển tốt.
Các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi được ổn định, thuận lợi cho việc thả tôm giống. Trong thời gian thực hiện mô hình, ông Phương đã tuân thủ và thực hiện đúng quy trình kĩ thuật đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn hướng dẫn, sau hơn 3 tháng, ông Phương thu được 300 kg cua biển, với giá bán 190 nghìn đồng/kg, 500 kg tôm thẻ chân trắng, với giá bán 100 nghìn đồng/kg và 150 kg cá đối, với giá bán 95 nghìn đồng/kg, tổng thu từ tôm, cua, cá là trên 120 triệu, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông Phương lãi 35 triệu đồng.
Được biết, năm 2021, Dự án triển khai mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng – cua biển – cá đối trên tổng diện tích 02 hécta tại 2 xã Bình Dương và Bình Chánh với 08 hộ dân tham gia thực hiện. Các ao nuôi trong mô hình có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2, độ sâu mực nước ao nuôi từ 1,2 – 1,3m. Tổng số tôm thẻ chân trắng thả nuôi là 800.000 con (mật độ 40 con/m2), cua biển 20.000 con (mật độ 01 con/m2), cá đối 6.000 con (mật độ 01 con/3m2).
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 3.606 kg, cua biển đạt 2.114 kg và cá đối đạt 1.014 kg. Tổng thu của mô hình đạt trên 858 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, mô hình cho lãi gần 230 triệu đồng.
Phát triền và nhân rộng thời gian tới
Anh Nguyễn Văn Tình, cán bộ kỹ thuật theo dõi, hỗ trợ thực hiện mô hình cho biết, nuôi ghép tôm với cua biển và cá đối dễ hơn so với nuôi độc canh con tôm, lại tận dụng được tối đa diện tích mặt nước, tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho người nuôi thủy sản.
Tuy nhiên do ghép nhiều đối tượng nuôi trong ao, nên công tác quản lý chất lượng nước ao nuôi là hết sức quan trọng. Các yếu tố môi trường nước cần phải được duy trì trong ngưỡng thích hợp như: nhiệt độ 26 – 320C, pH 7,5 – 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan phải từ 4 mg/lít trở lên. Nên duy trì màu nước ao nuôi có màu xanh đọt chuối non bởi khi màu nước ổn định thì các chỉ tiêu khác như pH, ôxy hòa tan,... cũng sẽ ổn định. Tốt nhất nên lắp đặt hệ thống quạt nước nhằm đảm bảo hàm lượng ôxy hoà tan trong ao, hạn chế phân tầng nhiệt độ trong những ngày nắng nóng, tạo dòng chảy gom chất thải, giải phóng một số khí độc trong ao nuôi…
Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết, qua hai năm thực hiện Dự án "Vùng nuôi thủy sản nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu" cho thấy, mô hình nuôi ghép tôm – cua biển – cá đối rất phù hợp ở các vùng nuôi thủy sản của huyện Bình Sơn.
"Đặc biệt phù hợp với các ao nuôi thủy sản vùng triều bởi khi nuôi chung cá đối với cua biển và tôm thẻ chân trắng sẽ lợi dụng được tính ăn mùn bã hữu cơ của các đối, chúng sẽ chuyển hóa các chất gây hại ở đáy ao thành những chất ít gây hại hơn đối với vật nuôi, góp phần làm giảm ô nhiễm đáy ao.
Ngoài ra, tảo trong ao nuôi cũng là thức ăn cho cá đối, do vậy sẽ giảm được nguy cơ tảo bùng phát làm biến động các yếu tố môi trường, đặc biệt là vào mùa nắng nóng khi quá trình quang hợp của tảo diễn ra mạnh mẽ. Các đối tượng nuôi kết hợp trong mô hình đều là những đối tượng có giá trị kinh tế cao và có tính tương hỗ lẫn nhau góp phần cân bằng môi trường sinh thái, giúp cho môi trường ao nuôi ổn định hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong quá trình nuôi..." – Ông Khoa cho hay.
Ông Khoa cho biết thêm, phương thức nuôi kết hợp này sẽ giảm rủi ro cho bà con nuôi trồng thủy sản ở ao đất vùng triều. Qua đó, các hộ thực hiện mô hình đã chia sẻ kinh nghiệm đối với các hộ dân xung quanh có nhu cầu để phát triển mô hình này hiệu quả hơn trongthời gian đến.