Quảng Ngãi: “Thủ phủ cau” đang hiện thực mục tiêu trở thành vùng nguyên liệu xuất khẩu 2000 ha
Theo thông tin PV Etime thu thập và được cung cấp, từ bao đời nay, cau là cây trồng truyền thống và chủ lực của người dân ở huyện miền núi Sơn Tây, với diện tích trồng ước tính trên 1000 ha. Vì vậy Sơn Tây được ví là "thủ phủ" cau, hay "Xứ ngàn cau" ở Quảng Ngãi.
Qua quan sát gần như hộ dân nào trên địa bàn cũng trồng cau, riêng số trồng từ 1000 cây trở lên ( thành vườn hoặc phân tán), ước khoảng hơn 600 hộ.
Đại diện chính quyền huyện Sơn Tây cho biết, trong tổng diện tích cau trồng (hiện trên 1000 ha), tập trung nhiều nhất là xã Sơn Dung, với diện tích gần 325 ha, chiếm 31,78% diện tích toàn huyện; các xã còn lại như Sơn Bua 38,42 ha và ít nhất là xã Sơn Lập, gần 18 ha.
Ngoài cau tươi cung cấp trực tiếp để sử dụng tiêu dùng trong nước, phần lớn cau trái được thu mua tập trung chế biến xuất khẩu.
Trên địa bàn Sơn Tây hiện có 16 cơ sở chế biến, tổng công suất thiết kế khoảng 8.000 tấn/vụ, với nguồn nguyên liệu thu mua tại chỗ đáp ứng khoảng 65% công suất của các cơ sở này.
Cau trái tươi sau khi được thu mua, sẽ được sấy và phân loại, đóng gói và xuất cho đại lý, hoặc xuất khẩu thẳng sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan…
Theo đại diện chính quyền huyện Sơn Tây, từ năm 2016 đến nay, thị trường cau xuất khẩu giá tương đối ổn định và có xu hướng tăng, đơn cử năm 2021, giá cau là 60.000 đồng/kg. Riêng trong thời điểm tháng 8/2022, giá cau được thương lái mua từ 45 - 48.000 đồng/kg, đã mang lại thu nhập cao cho người dân tại địa phương.
Vì vậy thu nhập từ bán cau trái với số tiền 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên trở thành chuyện bình thường, cá biệt có những hộ thu từ 500 triệu - tỷ đồng, như hộ ông Đinh Văn Hanh, Đinh Văn Min, xã Sơn Tinh; Đinh Văn Chút, Đinh Văn Châm, xã Sơn Long; Đinh Văn Tơn, Đinh Văn Trong, Đinh Văn Do, xã Sơn Dung …
Sáng 1/9, trao đổi với PV Etime, đại diện UBND huyện Sơn Tây cho biết, xuất phát từ cơ sở nêu trên, địa phương xác định cau là cây trồng truyền thống, phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương, mang thu nhập khá cho các gia đình.
Vì vậy chính quyền địa phương đã có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu cau ổn định. Cùng hỗ trợ cho 508 hộ trồng mới trên 300 ha (từ năm 2019 – 2020), trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích cau ở những khu vực có điều kiện đất đai phù hợp, thay thế dần diện tích keo nguyên liệu giấy.
UBND huyện Sơn Tây đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hình thành vùng nguyên liệu cau phục vụ xuất khẩu với diện tích khoảng 2000 ha; thực hiện xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu sản phẩm, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, đầu tư vào lĩnh vực chế biến cau sau thu hoạch.