Quốc hội thảo luận dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương: Bỏ HĐND cấp quận, phường?

Lương Kết Thứ ba, ngày 25/11/2014 07:07 AM (GMT+7)
Ngày 24.11, Quốc hội họp toàn thể để cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) tập trung phân tích nên hay không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, huyện, phường.
Bình luận 0

Bỏ đi có đảm bảo tính dân chủ?

Góp ý vào dự thảo luật, ĐB Danh Út (Kiên Giang) bày tỏ sự nhất trí cần thiết có chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt để thuận tiện cho hoạt động. Cũng theo ĐB Danh Út, đã là chính quyền địa phương phải có HĐND và UBND. Bổ sung vấn đề này, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng, khi thực hiện thí điểm thì không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường, nhưng phương án trình trong dự thảo luật thì cấp huyện vẫn tổ chức HĐND, cấp quận, phường không tổ chức HĐND. Chính vì thế cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc lựa chọn này để có cơ sở xem xét thấu đáo hơn. "Việc tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường trong thời gian vừa qua là chưa đủ khẳng định kết quả vì thiếu cơ sở lý luận. Mặt khác, về mặt thực tiễn cũng chưa đủ sức thuyết phục cho việc bỏ HĐND ở cấp quận, phường" - ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) góp ý.

imgĐại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu thảo luận.   Duy Linh

 

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu vấn đề: "Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính là cấp quận, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của UBND ở đó sẽ như thế nào? Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương có đảm bảo tính dân chủ không?". Cùng chung quan điểm, ĐB Triệu Là Phạm (Hà Giang) nhấn mạnh, nếu bỏ HĐND quận, phường là không phù hợp vì sẽ “làm đảo lộn bộ máy hành chính, làm thay đổi các văn bản pháp luật mà không biết hiệu quả của nó như thế nào”.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, luật cần quy định chính quyền gồm mấy cấp để đảm bảo sự phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND chứ không thể nơi có nơi không.

Chính quyền đô thị chỉ cần 2 cấp

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lại có cái nhìn khác khi cho rằng việc tổ chức HĐND các cấp đem lại hiệu quả rất thấp. “Chúng ta nói rất nhiều về HĐND cấp huyện, nhưng cử tri hỏi rằng một năm họp mấy lần, một lần được mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì. Ông phó chủ tịch thường trực HĐND giám sát ra sao với ông chủ tịch UBND huyện?” - ĐB Lịch đặt câu hỏi.

Từ lập luận đó, ĐB Lịch cho rằng: “Chúng ta phải nên thực tế, cần giải quyết vấn đề bằng cách nâng quyền lên chứ không phải để tồn tại hình thức. Còn nếu như không nâng được thì không nên tổ chức một cách hình thức”.

Nghiêng về lựa chọn phương án mà dự thảo luật đưa ra là cấp quận, phường không có HĐND, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) phân tích: Về đặc điểm dân cư ở đô thị và đặc điểm lao động đô thị cũng như tổ chức kinh tế đô thị khác nông thôn, nên cần một tổ chức chính quyền phù hợp để đảm bảo việc quản lý.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, chính quyền ở nông thôn theo lộ trình vẫn giữ ba cấp chính quyền. Chính quyền ở đô thị phải thay đổi cho phù hợp với thực tế là một địa bàn hẹp, dân cư sống tập trung với những phát sinh hàng ngày nên tổ chức một chính quyền 2 cấp là phù hợp. “Với chính quyền 2 cấp chúng ta hiểu theo nghĩa có HĐND và UBND được tổ chức ở cấp thành phố và cấp chính quyền cơ sở - là cấp phường” - ĐB Quyết Tâm nói.

Thêm quyền điều tra tội phạm về chức vụ cho Viện KSND

Chiều 24.11, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật quy định cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự T.Ư có thẩm quyền điều tra như sau: “Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự T.Ư điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, Viện KSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.

Một số ý kiến đại biểu khi thảo luận cũng đề nghị giao cho cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự T.Ư thẩm quyền điều tra các vụ án tham nhũng xảy ra ngoài hoạt động tư pháp do cơ quan điều tra khác đang điều tra mà sau khi nhận hồ sơ vụ án, Viện KSND phát hiện bỏ lọt tội phạm hoặc oan, sai. Tuy nhiên đề nghị trên không được chấp thuận, theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu mở rộng thẩm quyền điều tra như vậy sẽ dẫn đến chồng chéo với thẩm quyền điều tra của các đơn vị điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an, đồng thời làm kéo dài việc điều tra vụ án. Trong trường hợp này thì dự thảo luật đã quy định Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan đã điều tra vụ án tiến hành các biện pháp khắc phục, nếu đã yêu cầu mà chưa được khắc phục thì Viện KSND có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để quyết định việc đình chỉ vụ án hoặc quyết định truy tố.

N.L

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem