Hai "ông lớn" Viettel và VNPT sắp nhận nhiệm vụ quan trọng tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Linh Anh
14/05/2025 15:41 GMT +7
Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, tại tờ trình cơ chế chính sách cho các dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ở lĩnh vực tín hiệu và công nghệ điều hành, hai tập đoàn lớn là Viettel và VNPT sẽ được giao nghiên cứu phát triển hệ thống thông tin và định vị.

Bộ Xây dựng hiện đã xây dựng và trình 24 chính sách "mở đường" cho siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD

Chia sẻ tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) thông tin: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế chính sách cho các dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng như đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM.

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam nói về chính sách mới cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Hiện Bộ Xây dựng hiện đã xây dựng và trình 24 chính sách, trong đó có:

12 chính sách kế thừa gồm các nội dung đã quen thuộc như huy động nguồn lực, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, khai thác quỹ đất, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, an toàn giao thông…

Trong đó, khai thác quỹ đất dọc tuyến và phát triển công nghiệp phụ trợ được nhấn mạnh là yếu tố then chốt tạo động lực cho dự án và bù đắp chi phí đầu tư công. Chúng tôi xin phép không đi sâu phân tích vì cơ bản là kế thừa những chính sách hiện hành. Ví dụ như huy động nguồn lực, điều chỉnh kế hoạch, thủ tục đầu tư, khai thác quỹ đất (điều này rất quan trọng).

6 chính sách điều chỉnh liên quan đến bố trí vốn hoặc thời gian thi công, điều hành đội thi công. Lý do là Luật Đấu thầu vừa được sửa đổi năm 2024. Liên quan đến bố trí vốn hoặc thời gian thi công, điều hành đội thi công. Lý do là Luật Đấu thầu vừa được sửa đổi năm 2024. Về đề xuất thực hiện phân chia dự án thành phần, sẽ thực hiện ngay từ bước nghiên cứu tiền khả thi, chứ không phải sau khi phê duyệt chủ trương.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, điểm đáng chú ý gồm: Trong lĩnh vực tín hiệu và công nghệ điều hành, hai tập đoàn lớn là Viettel và VNPT sẽ được giao nghiên cứu phát triển hệ thống thông tin và định vị, trong khi các viện nghiên cứu sẽ tham gia phát triển thiết bị điều khiển chuyên dụng.

2 chính sách mới là điểm nổi bật trong nhóm chính sách mới là đề xuất cho phép sử dụng vốn ODA mà không phải nộp thuế đối với một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù, mở rộng khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, một thay đổi mang tính bước ngoặt là: kỹ sư tư vấn – đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài – sẽ được trao quyền quyết định kỹ thuật tại công trường, thay vì chờ phê duyệt từng bước từ chủ đầu tư. Điều này giúp tăng tính phản ứng nhanh, đặc biệt trong các quyết định liên quan đến kết cấu thép, vật liệu đặc biệt hay tình huống đột xuất trong quá trình thi công.

Ngoài ra, ông Cảnh cho biết, cơ quan này cũng đề xuất cơ chế hợp đồng linh hoạt: “hợp đồng theo công việc thực tế và đơn giá điều chỉnh”, nhằm tránh tranh chấp khi thực hiện dự án – một bài học rút ra từ các vướng mắc gần đây như tại Long Thành hoặc tuyến Metro số 3 Hà Nội.

Cuối cùng, một chính sách được đánh giá là mang tinh thần cải cách thực sự: Miễn trừ trách nhiệm cho người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trong bối cảnh nhiều cán bộ lo ngại trách nhiệm pháp lý, việc có một hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ người thực thi là điều kiện tiên quyết để dự án không bị chậm tiến độ chỉ vì sự “chần chừ có hệ thống”.

Ông Cảnh nói thêm, chúng ta đã có bài học ở nhiều công trình lớn. Trong đó, vướng ở cơ chế là một chuyện, nhưng chậm trong hành động là điều làm mất cơ hội. Hệ thống chính sách đặc thù đang được hoàn thiện đầy đủ điều còn lại là sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương để biến nghị quyết thành công trình.

Tuy vậy, theo ông Cảnh, có một số vấn đề cần quan tâm khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Thứ nhất là cơ chế. Điều này đã được Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi. Thứ hai liên quan đến phát triển đô thị xung quanh các dự án đường sắt để khai thác tiềm năng. Thứ ba, vướng mắc thực tiễn như thủ tục pháp lý, cơ chế cho các chủ đầu tư. Thứ tư, khai thác mỏ vật liệu.

Cơ hội nào sẽ dành cho doanh nghiệp trong nước khi nguồn lực chủ yếu là đầu tư công?

Ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng). Ảnh: Phạm Hưng

Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đang được Bộ Giao thông Vận tải giao thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có công tác lựa chọn nhà thầu cho gói tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư, nhằm đảm bảo triển khai đúng quy mô và tiến độ của một dự án có tính chất kỹ thuật đặc biệt lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Thứ nhất, trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và công nghiệp đường sắt: Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 67,3 tỷ USD, trong đó riêng chi phí xây lắp hạ tầng lên đến 33,5 tỷ USD. Không chỉ tuyến Bắc – Nam, các dự án đường sắt khác như Lào Cai – Hải Phòng, hay các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM cũng đang được đẩy nhanh thủ tục.

Dự kiến, quy mô đầu tư hạ tầng đường sắt nói chung có thể đạt tới 74 – 75 tỷ USD, chưa kể đến phần tín hiệu và thiết bị khoảng 34 tỷ USD. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia hiệu quả, đặc biệt là các tập đoàn đã có kinh nghiệm thi công, sản xuất kết cấu thép, và thiết bị công nghiệp.

Thứ hai, về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ông Tuân cho biết, Bộ xây dựng đánh giá cao khả năng các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với đối tác nước ngoài để phát triển nhân lực ngành đường sắt – một lĩnh vực đang rất thiếu hụt chuyên môn trong nước.

Theo định hướng của Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế đặc thù – trong đó có nghị định về nội địa hóa danh mục hàng hóa và dịch vụ trong các gói thầu. Các nhà thầu trong nước sẽ được hỗ trợ bằng chính sách cụ thể để tham gia các lĩnh vực liên quan.

Thứ ba, khai thác dịch vụ thương mại tại các nhà ga: Theo kinh nghiệm quốc tế, các khu vực ga đường sắt cao tốc có tiềm năng thương mại rất lớn. Sơ bộ đánh giá của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho thấy, khả năng khai thác dịch vụ thương mại tại các điểm ga dọc tuyến có thể lên tới 40 tỷ USD.

"Đây là cơ hội hấp dẫn để các doanh nghiệp trong nước phát triển mô hình kinh doanh thương mại – dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông công cộng, từ bán lẻ, logistics đến bất động sản thương mại", ông Tuân nói.

Vị này chia sẻ thêm, trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ cũng đang chỉ đạo hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện để doanh nghiệp có năng lực thực sự được tham gia, phát triển trong một lĩnh vực công nghệ – kỹ thuật cao, có tầm ảnh hưởng lớn và mang tính dẫn dắt như đường sắt tốc độ cao.