Đằng sau “nước cờ” bất ngờ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

10/05/2021 15:13 GMT+7
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa bất ngờ công bố thông tin gây xôn xao: VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động. VinSmart sẽ trở thành "giúp việc" cho công ty sản xuất ô tô VinFast.

Dồn lực cho tham vọng lớn, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đi "nước cờ" bất ngờ

VinSmart ra đời vào tháng 6/2018, khởi điểm là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. 

Sau gần 3 năm, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cho ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu tivi, hãng điện thoại "made in Vietnam"

Cũng phải nói thêm rằng, dù còn non trẻ và đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm điện thoại nhập khẩu từ nước ngoài, song năm 2020, điện thoại thông minh Vsmart đạt doanh số bán lên tới gần 2 triệu sản phẩm, chiếm 12,7% thị phần điện thoại thông minh Việt Nam năm 2020.

Đây là lần đầu tiên một thương hiệu Việt đạt được thành tích vượt trội và nằm trong top các thương hiệu điện thoại được tiêu thụ hàng đầu Việt Nam.

Đằng sau “nước cờ” bất ngờ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng  - Ảnh 1.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ công bố thông tin: VinSmart sẽ dừng việc sản xuất tivi và điện thoại di động

Dù vậy, theo quyết định mới, VinSmart sẽ dừng việc phát triển tivi và điện thoại di động, chuyển sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở.

Trong đó, trọng điểm là phát triển các tính năng thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast. Với gần 150 tính năng Infotainment sắp được trang bị, ô tô VinFast sẽ mang đến những tiện ích khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường ô tô toàn cầu.

Nhiệm vụ thứ hai là tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast.

Vingroup cho biết, đây là bước đi chiến lược nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.

"Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng.

Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này", ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết.

Thực tế, đây không phải là lần đầu Vingroup chia tay với một mảng kinh doanh được đầu tư tốn kém.

Trước đó, Vingroup đã thoái vốn khỏi mảng bán lẻ quy mô lên tới cả chục tỷ USD, trong đó, trang thương mại điện tử Adayroi sáp nhập vào VinID. Toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro bị giải thể. Đồng thời, rút khỏi mảng nông nghiệp và đóng cửa Tập đoàn tài chính Vincom.

Hay như việc đột ngột công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air vào ngày 14/1/2020, khi hãng bay này chưa từng cất cánh.

Vingroup còn tặng Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang của ông Nguyễn Cao Trí, một gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn.

Tất cả những động thái trên đều nằm trong chiến lược tái cơ cấu của Vingroup, để tập trung cho ưu tiên cốt lõi: ô tô.

Đằng sau “nước cờ” bất ngờ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng  - Ảnh 3.

Vingroup dồn lực cho công ty sản xuất ô tô VinFast

Gần đây Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin liên quan cho biết, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2-3 tỷ USD. Nếu thành công, hãng xe sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ.

VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết, nguồn tin cho biết. Con số này ngang ngửa giá trị của các nhà sản xuất xe nổi tiếng thế giới như Ferrari (52 tỷ USD), Hyundai (51,22 tỷ USD), Honda (50,94 tỷ USD) và xếp trên nhiều ông lớn khác như Ford (49,41 tỷ USD), Volvo (48,73 tỷ USD)…

VinFast thành công, Vingroup có thể là đầu tàu kéo nền sản xuất của Việt Nam

TS. Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu kế toán Úc cho biết, chiến lược đa dạng hóa tiếp tục cho thấy rủi ro quá lớn, kể cả khi nguồn lực từ bất động sản đang là "vô tận".

Hơn nữa, trong điều kiện công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam được xếp hạng yếu kém và chưa có dấu hiệu cải thiện thì đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất của các tập đoàn trong nước đang gặp khó khăn.

Vì thế, việc Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng từ bỏ mảng điện thoại di động, tivi là có thể hiểu được.

Đằng sau “nước cờ” bất ngờ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng  - Ảnh 4.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Cũng theo vị chuyên gia này, VinSmart chuyển hướng sang "giúp việc" cho VinFast là để theo xu hướng tạo năng lực trong sản xuất ô tô. Nếu VinFast thành công, doanh nghiệp này có thể là đầu tầu kéo nền sản xuất của Việt Nam phát triển "cực thịnh và bền vững".

Ngược lại, sản xuất tại Việt Nam sẽ chỉ dựa vào những lĩnh vực kém bền vững như thép, chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ giá hàng hóa và gây ô nhiễm. Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuộc vào các FDI và những trung gian như bất động sản và ngân hàng.

Theo sau thông tin kể trên, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu VIC của Vingroup có thời điểm điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên về cuối phiên giao dịch đã đảo chiều ngoạn mục với mức tăng nhẹ 0,38%, lên 132.500 đồng/cp. 

Vingroup hiện đang dẫn đầu thị trường về quy mô vốn hóa với trên 448.000 tỷ đồng, bỏ xa Vietcombank (vốn hóa của Vietcombank hiện khoảng 363.000 tỷ đồng).


Nhật Minh
Cùng chuyên mục