Quyết liệt "quay lưng" với Trung Quốc, Ấn Độ nắm bao nhiêu phần thắng?
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang triển khai hàng loạt biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc trên mặt trận kinh tế, điều mà các nhà quan sát lý giải là “biện pháp trừng phạt” sau vụ đụng độ biên giới chết người.
Cho đến nay, Ấn Độ đã chặn hơn 100 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm cả TikTok và WeChat. New Delhi cũng tuyên bố cấm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE khỏi dự án mạng viễn thông 5G. Trong một động thái khác nhắm vào Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ thắt chặt việc sàng lọc đầu tư nước ngoài và quy chế đấu thầu các dự án công với "các nước có chung đường biên giới”.
Nhiều ý kiến cho rằng Ấn Độ đang “tự bắn vào chân mình”. Tờ The Economic Times, một tờ báo kinh tế nổi tiếng của Ấn Độ chỉ ra sự phụ thuộc quá mức của nước này vào các sản phẩm của Trung Quốc (bao gồm cả sản phẩm được các công ty Trung Quốc sản xuất tại Ấn Độ). Ví dụ, 90% pin mặt trời, 70% smartphone và 60% nguyên liệu thô để sản xuất thuốc tại Ấn Độ đều được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc.
Trong năm 2019, sản phẩm từ Trung Quốc chiếm tới hơn 13% tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ. Nhưng ở chiều ngược lại, sản phẩm Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa nếu Ấn Độ tiếp tục “tẩy chay” hàng hóa Trung Quốc, chính người Ấn Độ sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Vậy tại sao New Delhi vẫn làm căng với Trung Quốc?
Nguyên nhân một phần đến từ chính thái độ của người dân Ấn Độ. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tờ báo địa phương Business Standard hồi tháng 6 cho thấy 97% trong số 32.000 người được hỏi khẳng định họ đang tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc.
Nguyên nhân tiếp theo đến từ sự yếu kém của cơ cấu kinh tế Ấn Độ. Tháng 11/2019, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, một khu vực thương mại tự do Châu Á bao gồm Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng lý do thực sự khiến New Delhi quyết định rút khỏi RCEP sau 6 năm đàm phán xuất phát từ mối lo ngại rằng việc kêu gọi giảm thuế hơn nữa giữa các nước thành viên sẽ khiến hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa, gây tổn thương cho doanh nghiệp trong nước. Năm 2019, thâm hụt thương mại của Ấn Độ đạt tới 161,8 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm tới 30% tổng mức nhập siêu. Cắt giảm mức thâm hụt khổng lồ này rõ ràng là bài toán khó với New Delhi.
Nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn, nỗ lực “chia tay” Trung Quốc của Ấn Độ không chỉ đơn giản là phản ứng sau vụ đụng độ biên giới, mà còn là chiến lược dài hơi của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi trong việc tự lực kinh tế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Liệu đó có phải tham vọng xa vời?
Không hẳn, bởi Ấn Độ nắm trong tay hai lợi thế lớn. Một là quy mô thị trường nội địa tỷ dân. Liên hợp quốc từng dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027. Dự kiến đến năm 2030, dân số Ấn Độ sẽ lên tới 1,5 tỷ người. Trong vòng 5 năm tiếp theo, tức đến năm 2025, tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ có thể tăng gấp đôi từ 300 triệu người lên 600 triệu người.
Dù đại dịch có thể làm chậm lại một phần dự phát triển đó, nhưng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Ấn Độ có thể đủ lớn để tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế một thị trường quy mô. Thông thường, các nền kinh tế mới nổi phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hiệp định thương mại tự do để tìm kiếm thị trường rộng lớn hơn. Nhưng với thị trường tỷ dân như Ấn Độ, điều này chưa hẳn là cần thiết.
Một lợi thế khác là cơ sở hạ tầng công nghiệp. Thực tế, Ấn Độ sở hữu một ngành công nghiệp có thể sản xuất mọi thứ từ hộp diêm đến bom hạt nhân, cộng thêm lực lượng lao động dồi dào giá rẻ. Tiềm năng của thị trường sản xuất này lớn đến nỗi Google gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD, còn ông lớn Apple thì bắt đầu sản xuất dòng smartphone mới nhất - iPhone 11 tại Ấn Độ.
Vẫn còn nhiều điều không chắc chắn xoay quanh vấn đề liệu tách khỏi Trung Quốc có phải quyết định khôn ngoan, hay chỉ là bước đi thiển cận của chính quyền Thủ tướng Modi. Và Ấn Độ, quốc gia sắp trở thành thị trường đông dân nhất lịch sử nhân loại, đang tiến hành một cuộc thử nghiệm kinh tế sống còn.