Phát hiện thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc bị chặn tại Ấn Độ

05/08/2020 17:16 GMT+7
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) mới đây đưa tin nhiều ứng dụng Trung Quốc như Baidu Search, trình duyệt Xiaomi... tiếp tục bị gỡ khỏi kho ứng dụng địa phương Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng Trung Ấn tiếp tục leo thang sau vụ đụng độ biên giới cách đây 2 tháng.
Phát hiện thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc bị chặn tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc bị chặn tại Ấn Độ

Theo tờ SCMP, một số ứng dụng do Trung Quốc phát triển đã bị xóa khỏi Apple Store và Google Play tại Ấn Độ trong những ngày gần đây, ít lâu sau khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố đưa thêm hàng loạt ứng dụng Trung Quốc vào danh sách cấm nhưng không nêu tên cụ thể.

Ngoài những ứng dụng phổ biến như Baidu Search (công cụ tìm kiếm được sử dụng chủ yếu tại Trung Quốc đại lục), một số ứng dụng bị xóa khác bao gồm app chỉnh sửa ảnh và video Meitu, dịch vụ thư của NetEase và app game Heroes War.

Trước đó, tờ thời báo Kinh tế của Trung Quốc đưa tin chính phủ Ấn Độ đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ có thêm những hành động mạnh mẽ nếu phát hiện bất kỳ ứng dụng Trung Quốc nào cố gắng quay trở lại thị trường này dưới tên gọi khác hay bằng các cách khác.

Trước đó, Ấn Độ đã tuyên bố cấm 59 ứng dụng Trung Quốc bao gồm Weibo, TikTok, WeChat và nhiều ứng dụng từ các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Yahoo và Xiaomi. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã viện dẫn quan ngại về chủ quyền và an ninh quốc gia để lý giải loạt hành động trên. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng những động thái này thực chất mang nhiều động cơ chính trị do sự phẫn nộ của dư luận Ấn Độ sau vụ đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. 

Thêm vào đó là lo ngại của New Delhi về nguy cơ các đại gia công nghệ Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần làm tổn thương doanh nghiệp trong nước. Một ví dụ tiêu biểu, tính đến nay, 4 trong 5 thương hiệu smartphone hàng đầu Ấn Độ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, chiếm tới hơn 70% thị phần, theo báo cáo của Counterpoint. Trong đó, 3 hãng smartphone Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo đều có nhà máy tại Ấn Độ. Hay TikTok, ứng dụng chia sẻ video có nguồn gốc từ Trung Quốc ngay trước khi bị chặn đã có tới hơn 200 triệu lượt download tại Ấn Độ, vượt qua cả Youtube. Sau khi TikTok bị chặn, hàng loạt ứng dụng video khác của Ấn Độ nhanh chóng thu hút lượt download tăng vọt.

Ananth Krishnan, cựu thành viên thuộc Viện nghiên cứu Brookings Ấn Độ nhận định: “Các ứng dụng này đã phổ biến trên thị trường từ lâu và một trong số chúng thậm chí có hơn 100 triệu người dùng. Thời điểm (chính phủ Ấn Độ chặn các ứng dụng) thực tế có liên quan nhiều hơn đế căng thẳng biên giới”.

Hiện các đại gia công nghệ Trung Quốc như Baidu và Xiaomi đều từ chối bình luận về vấn đề.

Nhiều nhà quan sát nhận định phản ứng dữ dội từ Ấn Độ sau vụ đụng độ biên giới nhiều khả năng sẽ mở ra một mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ Trung. Căng thẳng Mỹ Trung đang tiếp tục nóng lên trong những ngày gần đây khi Mỹ thẳng tay “đàn áp” hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ByteDance. 

“Nếu chúng ta hiểu rằng lệnh cấm của Ấn Độ chủ yếu là một biện pháp kinh tế chính trị chống lại Trung Quốc - quốc gia vốn đang bị cuốn vào xung đột với Mỹ để giành quyền thống trị thị trường kỹ thuật số, thì mọi thứ sẽ bắt đầu sáng tỏ” - trích nhận định của Jai Vipra, nhà nghiên cứu công nghệ toàn cầu. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục