Sau nhiều tuần "làm ngơ", Trung Quốc lần đầu đánh thuế đáp trả Ấn Độ

15/08/2020 17:27 GMT+7
Xung đột thương mại Trung - Ấn tiếp tục diễn biến căng thẳng trong những tuần gần đây. Trong khi New Delhi không ngừng đẩy mạnh các động thái chống lại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì Bắc Kinh hôm 14/8 thì trả đũa bằng cách gia hạn thuế chống bán phá giá với một sản phẩm sợi quang từ Ấn Độ.
Sau nhiều tuần "làm ngơ", Trung Quốc lần đầu đánh thuế đáp trả Ấn Độ  - Ảnh 1.

Người dân Ấn Độ biểu tình tẩy chay hàng Trung Quốc sau vụ đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng

Trong một động thái bị nghi ngờ là đòn đáp trả Ấn Độ, chính phủ Trung Quốc hôm 14/8 vừa qua đã gia hạn mức thuế quan hồi năm 2014 với sản phẩm sợi quang Ấn Độ, hiệu lực kéo dài 5 năm. Đây được xem là hành động trả đũa đầu tiên của phía Bắc Kinh kể từ khi New Delhi châm ngòi xung đột thương mại sau vụ đụng độ biên giới hồi tháng 6. 

Việc đánh thuế sợi quang Ấn Độ cũng phản ánh thực trạng dư cung và những nỗ lực bảo vệ nhà sản xuất trong nước của Bắc Kinh. 

“Thị trường Trung Quốc -  thị trường tiêu thụ và sản xuất sợi quang lớn nhất toàn cầu - đang phải đối mặt với nguy cơ lớn khi cung vượt cầu: công suất dư thừa nhưng nhu cầu trong nước lại giảm. Hơn nữa, sợi quang mà Trung Quốc sản xuất không được các nhà khai thác viễn thông tại nhiều nước phương Tây bao gồm Mỹ và hầu hết Châu Âu cho phép sử dụng” - trích tuyên bố của Tổng cục Phòng vệ thương mại Ấn Độ. “Cho đến nay, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá với hầu hết các nước sản xuất và xuất khẩu sợi quang bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Điều này khiến cho thị trường Trung Quốc trở nên khó xâm nhập với hầu hết các nhà xuất khẩu sợi quang nước ngoài”.

Dự kiến mức thuế tự vệ tạm thời mà Bắc Kinh áp lên sản phẩm sợi quang nhập khẩu từ Ấn Độ là 25%.

Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng kể từ cuộc đụng độ biên giới hồi tháng 6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đến nay, các nhà chức trách New Delhi đã tăng số lượng hàng loạt cuộc điều tra với hàng nhập khẩu Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng bị áp đặt các mức thuế mới.

Cụ thể, Ấn Độ đã khởi xướng 2 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với bột màu công nghiệp ngọc trai mica - tức dòng sản phẩm thường dùng để tạo hiệu ứng phủ mờ trong sơn và mỹ phẩm, và sợi tơ viscose rayon thường dùng trong dệt may. Đây đều là hai dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hồi tháng trước, Ấn Độ cũng tuyên bố gia hạn mức thuế tự vệ lên tới 14,5% với sản phẩm pin điện quang mặt trời từ Trung Quốc để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Đầu tháng này, Ấn Độ tiếp tục đưa ra phán quyết chống bán phá giá sơ bộ với sản phẩm nhựa PETE từ Trung Quốc.

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng thủ tục điều tra chống bán phá giá của Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với những quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thông lệ thương mại quốc tế. Nhưng việc Ấn Độ liên tiếp sử dụng chúng kể từ sau vụ đụng độ biên giới đang làm dấy lên nghi ngờ chính quyền Thủ tướng Narendra Modi sử dụng các công cụ thương mại hợp pháp để nhắm mục tiêu vào hàng hóa Trung Quốc.

Nhìn chung, tính đến nay, Ấn Độ đã áp đặt thuế quan với hàng trăm sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm đồ điện tử và gia dụng, cùng với lệnh cấm hàng loạt ứng dụng Trung Quốc như TikTok, WeChat, UC Browser… do quan ngại an ninh quốc gia. 

Tuy nhiên, ông Jingdong Yuan, chuyên gia an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Sydney chỉ ra rằng những biện pháp sử dụng thương mại như vũ khí trả đũa của Ấn Độ gần như không gây ra sự tổn thương nào đáng kể cho Trung Quốc. Nguyên nhân đơn giản bởi Ấn Độ phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung hàng hóa Trung Quốc.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục