Rao bán homestay nhan nhản ở nông thôn Ninh Bình, ngó giá "vừa bán vừa cho" nhiều người vẫn "giật cả mình"

Thứ năm, ngày 15/07/2021 05:40 AM (GMT+7)
Trên các trang mua bán nhà đất, dễ dàng bắt gặp hàng loạt thông tin cần cho thuê, rao bán, sang nhượng khách sạn, nhà nghỉ, homestay được đăng tải dày đặc.
Bình luận 0

Đáng chú ý, những dòng thông tin đi kèm phần lớn là "nợ ngân hàng, cần bán gấp". Giá cả tùy thuộc vào vị trí, diện tích, "sao số", đa phần nằm tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên (Hoa Lư)…

Rao bán homestay nhan nhản ở nông thôn Ninh Bình, ngó giá "vừa bán vừa cho" nhiều người vẫn "giật cả mình" - Ảnh 1.

Một homestay đang xây dựng dở dang cũng được rao bán.

Anh D - chủ T.C Bamboo homestay (Ninh Hải, Hoa Lư) cho biết, trước thời điểm dịch bùng phát, lượng khách đến khá đông, khách hàng tới từ nhiều nguồn như khách nước ngoài, khách Việt, chuyên gia… Mỗi ngày, ít nhất cơ sở của anh cũng đón từ 50 khách trở lên, thậm chí nhiều thời điểm cháy phòng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn bộ homestay phải bỏ không. 

"Năm 2020 nhúc nhắc mỗi đợt mở cửa du lịch còn được một vài đoàn khách, nhưng bước sang năm nay dịch bùng phát mạnh, các hoạt động đóng băng. Trong khi đó, gia đình mới vay mượn, đầu tư xây dựng homestay này từ cuối năm 2019, chưa kịp hoàn vốn. Bao nhiêu tâm huyết, công sức bỏ ra nhưng do không thể gánh nổi khoản lãi hàng tháng nên tôi đành rao bán lỗ 14 phòng cùng hệ thống nhà hàng, bếp ăn chỉ với giá hơn 10 tỷ đồng." - anh Dương buồn bã.

Cùng trong hoàn cảnh tương tự, anh Trường, chủ một hệ thống homestay ở xã Ninh Xuân cũng đang tìm mọi cách để bán bớt các cơ sở hiện có. 

Năm 2019, kỳ vọng vào sự phát triển nhanh chóng của du lịch Ninh Bình, nhất là loại hình homestay được khách nước ngoài đặc biệt ưa chuộng, anh Trường đã bỏ ra hơn 5 tỷ mua một khu đất hoang sơ để cải tạo và xây dựng 7 căn Bungalow nhưng chưa kịp hoàn thành thì dịch COVID-19 ập đến. 

Đọng vốn ở công trình này cộng thêm với tiền duy trì, bảo dưỡng một số cơ sở lưu trú khác trong gần 2 năm qua khiến anh không thể "chịu được nhiệt" đành ngậm ngùi bán tháo.

Rao bán homestay nhan nhản ở nông thôn Ninh Bình, ngó giá "vừa bán vừa cho" nhiều người vẫn "giật cả mình" - Ảnh 2.

Nhiều thông tin rao bán homestay được công khai.

 

Chị T, một người làm giao dịch bất động sản tại huyện Hoa Lư cho biết, nợ ngân hàng là lý do lớn nhất khiến nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, homestay phải bán tài sản. 

Đa phần chủ đầu tư khách sạn đều phải vay ngân hàng, ít thì vài trăm triệu, nhiều có khi lên tới hàng tỷ đồng. Dịch bệnh gần 2 năm qua đã khiến họ gặp khủng hoảng tài chính nặng nề nên buộc phải bán tháo những tài sản đang có. Họ không thể chờ đến thời điểm dịch bệnh ổn định, nguồn khách quay lại do số nợ đang nhân lên từng ngày. 

Nghe rao bán một khu homestay khoảng 10-20 tỷ là rất lớn nhưng thật ra các chủ cơ sở đều đã chấp nhận bán lỗ. Ví dụ như một homestay ở xã Ninh Hòa năm ngoái có khách trả 18 tỷ, ông chủ chần chừ không bán vì muốn nghe ngóng tình hình xem có cải thiện không. 

Nhưng rồi dịch bệnh phức tạp và diễn biến kéo dài. Giờ thì giữ cũng không được, mà bán cũng không xong, hạ giá xuống còn 14 tỷ nhưng tìm người có nhu cầu mua cũng là việc không hề dễ dàng…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giai đoạn 2016-2019 khách sạn, homestay là loại hình kinh doanh, khai thác rất hiệu quả nên thời điểm đó, rất khó để mua lại các khách sạn, homestay vì không có người bán. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến giờ, khách lưu trú nhỏ giọt, trong khi chi phí để vận hành, trả tiền vay ngân hàng là rất lớn. 

Vì thế, rao bán các cơ sở này là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù rao bán hàng loạt nhưng thực tế các thương vụ "chốt khách" vẫn còn khá ít. Nhiều chủ cơ sở vẫn đang cố cầm cự, còn bên mua chờ cơ hội rẻ hơn. Hiện nhiều người mua cũng đang thăm dò để "bắt đáy" khi giá xuống thấp nữa.

Năm 2021, tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành du lịch Ninh Bình do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Số lượng khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh 6 tháng đầu năm giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Ước tính tổng số lượng khách đến các điểm thăm quan đạt 867,5 nghìn lượt, giảm 42,3% so với 6 tháng năm 2020. Trong đó, khách trong nước đạt 854,5 nghìn lượt, giảm 36,2%; khách quốc tế 13,0 nghìn lượt khách, giảm 92,1%.

Số lượt khách đến các cơ sở lưu trú đạt trên 164,8 nghìn lượt khách, giảm 16,5%; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 221,3 nghìn ngày khách, giảm 16,9%.

Doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm nay ước thực hiện trên 552,4 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách giảm mạnh kéo theo kinh doanh khách sạn, homestay thua lỗ, rao bán được xem là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn.

Nguyễn Lựu- Duy Hiền (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem