Room tín dụng: Ngân hàng "đau đầu", bất động sản "chờ" hưởng lợi
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng liên tục "nóng" thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng dùng hết hạn mức chỉ trong 6 tháng đầu năm và người đi vay "nháo nhào" vì thiếu vốn.
Ngân hàng "đau đầu" vì chưa được nới room tín dụng
Từ góc độ ngân hàng, việc "xài" gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phép đã khiến cho các ngân hàng khó khăn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong nửa cuối năm nay.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7 tăng 9,42% so với đầu năm (tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ). Như vậy, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 5 (tăng gần 17% so với cùng kỳ), do việc giải ngân chậm lại khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Trong bối cảnh đó, có tổ chức tín dụng chuyển khoản nợ có thể chuyển thành nợ xấu thành khoản phải thu có thời hạn, thu hồi dài hơn nhằm có thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, che giấu được khoản nợ xấu có khả năng phát sinh, ẩn dưới hình thức khoản phải thu còn trong hạn – theo lời một lãnh đạo ngân hàng.
Đại diện một ngân hàng thương mại tư nhân khác thừa nhận, room tín dụng không chỉ là vấn đề riêng ngân hàng nào mà là "nỗi đau đầu" của rất nhiều ngân hàng trong hệ thống.
Cũng như nhiều ngân hàng khác, ngân hàng của vị này hiện đã dùng hết room mà Ngân hàng Nhà nước cấp và trong 6 tháng đầu năm. Đến thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm thận trọng về tăng trưởng tín dụng; đồng thời chưa có tín hiệu nào về việc cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Thế nhưng, lãnh đạo nhà băng này vẫn tin tưởng sẽ sớm có những thông báo về việc cấp hạn mức tín dụng, nhờ bảng cân đối tài chính "khỏe mạnh".
Room tín dụng có thể được nới vào cuối tháng 8, doanh nghiệp bất động sản lập tức hưởng lợi?
Đồng tình, nhiều bộ phận nghiên cứu cũng đều có chung nhận định cho rằng, việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ diễn ra muộn hơn mọi năm, vào quý III và quý IV. Hơn nữa, việc cấp thêm này sẽ chỉ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao.
Chẳng hạn như trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia dự báo cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nới room tín dụng cho hệ thống ngân hàng để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022.
Động thái này, theo đánh giá của KBSV phần nào sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản theo hai hướng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp có nguồn tiền mới để vay đảo phần nợ trái phiếu đến hạn. Thống kê cho thấy, năm 2023 và 2024, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu lần lượt đạt 374.300 tỷ đồng và 381.200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, lần lượt đạt 120.400 tỷ đồng (chiếm 32,1%) và 121.100 tỷ đồng (chiếm 32%).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phương án này chỉ áp dụng được đối với các doanh nghiệp có dự án mới và còn tài sản đảm bảo chất lượng tốt.
Thứ hai, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho, có thêm nguồn tiền để trả nợ.
Nhóm phân tích này cũng dự báo, cuối năm 2022 và năm 2023, 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn. Đặc biệt đối với cá doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chất lượng tài sản không cao sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng.
Trong khi đó với nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn phần nào ít áp lực hơn nhờ quỹ đất lớn, còn tài sản đảm bảo để vay ngân hàng cùng với đó đủ điều kiện để phát hành trái phiếu mới cũng như có khả năng vay trái phiếu quốc tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải liên tục tích lũy và triển khai dự án mới bất chấp các giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh và ở mức định giá cao để có khả năng huy động thêm nguồn vay nợ nhằm bổ sung dòng tiền nhằm thanh toán các nghĩa vụ đến hạn. Điều này cũng sẽ gây mất cân đối dòng tiền và làm giảm hiệu quả hoạt động trong những năm tới.
Còn theo các chuyên gia FiinGroup, kênh tín dụng ngân hàng cho bất động sản hiện đang được kiểm soát chặt chẽ, kênh vốn huy động qua trái phiếu doanh nghiệp cũng rất ít ỏi, thị trường chứng khoán ảm đạm. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước những trở ngại khá lớn về hoạt động huy động vốn trái phiếu cho việc tiếp tục triển khai và mở bán trong nửa cuối năm 2022 và cả năm 2023.
Chuyên gia kỳ vọng, những điều chỉnh chính sách bao gồm Nghị định 153 sửa đổi tới đây với những tiêu chuẩn và điều kiện mới về phát hành, phân phối và mua bán trái phiếu được kỳ vọng sẽ giúp kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp từng bước sôi động trở lại và có chiều sâu hơn để góp phần phát huy kênh dẫn vốn dài hạn và các rủi ro từ thị trường này được kiểm soát chặt chẽ hơn.