Điều chỉnh room tín dụng: "Rò rỉ thông tin ngân hàng được cấp bổ sung, hóng Ngân hàng Nhà nước tiết lộ"
Ngân hàng thương mại hóng room tín dụng điều chỉnh
Thông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong tuần này sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, trao đối với PV Etime chiều muộn ngày 30/8, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, vẫn đang chờ thông tin từ Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng thừa nhận, đã "xin" được cấp thêm room tín dụng nhiều tháng, nhưng đến nay vẫn "chỉ biết ngồi ngóng".
Trong cuộc trao đổi sáng nay, đại diện của một ngân hàng cổ phần lớn trên địa bàn Hà Nội cũng cho hay, hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về điều chỉnh room tín dụng, tuy nhiên theo nguồn tin rò rỉ ngân hàng lần này cũng được cấp bổ sung "kha khá".
"Chúng tôi đang hóng Ngân hàng Nhà nước tiết lộ mà chưa thấy". Tuần trước, Thống đốc cho biết sẽ thông báo trong tuần này, như vậy chắc chắn chỉ còn có hôm nay các ngân hàng sẽ nhận được thông tin chính thức", vị này cho hay.
Tương tự, lãnh đạo của một "ông lớn" quốc doanh sáng nay cũng nói với Dân Việt, đến giờ phút này vẫn chưa có thông báo về room tín dụng điều chỉnh.
Trong thông điệp của mình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room.
Trước đó, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, Thống đốc cho biết, NHNN phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng trên 2 tiêu chí. Đó là kết quả xếp hạng từng NH theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.
Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí NH tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các NH trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH.
Như vậy, các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MB, HDBank (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB,...
Mới đây, SSI Research cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Cổ phiếu vua "nhúc nhích" đón đầu
Dù cho tới sáng nay, các ngân hàng cho biết chưa có thông tin chính thức về nới hạn mức tín dụng, nhưng thị trường kỳ vọng nhà điều hành sẽ cấp hạn mức tín dụng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022 cũng được các chuyên gia kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng
Thực tế, đón đầu thông tin nới room, cổ phiếu ngân hàng phiên giao dịch ngày hôm qua ghi nhận diễn biến tích cực, dẫn dắt đà tăng của thị trường. Theo đó, riêng nhóm ngân hàng đã đóng góp 0,49 điểm %, chiếm 72% đà tăng của VN-Index trong phiên này.
Nổi bật nhất là "anh cả" VCB bật tăng mạnh 4,24% lên 86.000 đồng/cp, đóng góp hơn 4,3 điểm vào đà tăng của VN-Index. Hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng tăng điểm tích cực sau phiên điều chỉnh như BID (2,1%), CTG (1,8%), LPB (1,6%), HDB (1,3%), MBB (1,1%), TPB (0,7%), VPB (0,5%)...
Tại talkshow Bí mật đồng tiền số 35 của VTV Digital, Chuyên gia ETF Công ty Quản lý Quỹ (SSIAM), ông Tô Sơn Nam cũng thừa nhận, nếu muốn VN-Index quay lại mốc 1.500 điểm thì điều này phải được dẫn dắt bởi ngành ngân hàng.
Theo thống kê của vị chuyên gia này, ngành tài chính có tổng tỷ trọng trong VN-Index là hơn 35% và tỷ trọng trong VN30 lên đến gần 45%. Số liệu thống kê cũng cho thấy ngành tài chính ngân hàng thường là chiếm đến 70-80% hiệu suất VN-Index.
Nếu nhìn vào hai chỉ số ROE và P/B, so với các ngân hàng trong khu vực, các ngân hàng Việt Nam hiện giờ đang hiệu quả nhất khi ROE thường xuyên ở mức 20-25% và P/B toàn ngành ở 1,4-1,5. "Khi nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào hai chỉ số ROE và P/B thì thấy ngân hàng Việt rất hấp dẫn so với các ngân hàng trong khu vực như Indonesia hay Singapore", ông Nam nói.