Rửa tiền bằng ví điện tử và tiền ảo, cầm đồ “biến tướng” tiếp tay tín dụng đen

11/11/2021 07:52 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước cho hay, mặc dù mang lại nhiều tiện ích, nhưng ví điện tử, tiền ảo, cho vay trực tuyến hay dịch vụ cầm đồ lại khó kiểm soát và dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ để tội phạm ngắm tới như rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo.

Rủi ro "rửa tiền" bằng ví điện tử, tiền ảo

Chẳng hạn như Ví điện tử, theo Ngân hàng Nhà nước dịch vụ ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ để giao dịch qua kênh thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn tiện ích và hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Do đó, số lượng các công ty đăng ký cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cũng ngày càng gia tăng.

Trong thời gian qua, bên cạnh tiện ích mà ví điện tử mang lại, ví điện tử cũng có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…).

Rửa tiền bằng ví điện tử và tiền ảo, cầm đồ “biến tướng” tiếp tay tín dụng đen - Ảnh 1.

Rủi ro "rửa tiền" bằng ví điện tử, tiền ảo (Ảnh: SumHR)

Tiền ảo, tài sản ảo cũng là một sản phẩm công nghệ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch" hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại "chứng khoán", với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, các đồng tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo.

Do đó, hoạt động này ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Rửa tiền bằng ví điện tử và tiền ảo, cầm đồ “biến tướng” tiếp tay tín dụng đen - Ảnh 2.

Hiện Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại "chứng khoán". (Ảnh: Getty Images)

Biến tướng tiếp tay "tín dụng đen" từ cho vay trực tuyến, cầm đồ

Cho vay trực tuyến, cũng thường được gọi là cho vay ngang hàng, cho phép người cho vay và người vay tiền giao dịch trực tiếp trên nền tảng internet mà không thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian tài chính khác.

Theo phản ánh, thời gian qua hoạt động cho vay trực tuyến qua các ứng dụng đang nở rộ và phát triển mạnh mẽ và đã xuất hiện các biến tướng của "tín dụng đen", kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng an ninh, trật tự.

Một số đối tượng là người nước ngoài đã cấu kết với số đối tượng trong nước thành lập các công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội .

Cũng giống như lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động cho vay trực tuyến nhưng cũng không có quy định cấm đối với hoạt động này, trừ trường hợp hoạt động này được xác định là hoạt động ngân hàng và hiện áp dụng theo các quy định của Luật Dân sự.

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn trong quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng qui định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính.

Trong khi đó, dịch vụ cầm đồ đang có dấu hiệu "biến tướng" tiếp tay cho hoạt động "tín dụng đen", là nơi tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có, do đó tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc… trong thời gian qua.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường cầm đồ bắt đầu xuất hiện hệ thống/chuỗi cầm đồ của của một số công ty như F88, T99, Vietmoney… Mặc dù mới ra đời, nhưng các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho thấy tiềm năng tăng trưởng doanh số đáng kinh ngạc, thu hút lượng lớn vốn đầu tư và không ngừng mở rộng hệ thống cầm đồ.

Với việc còn "lọt lưới" nhiều đối tượng rủi ro cao như trên, Ngân hàng Nhà nước đề xuất đưa 4 dịch vụ nêu trên là đối tượng báo cáo theo Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo phạm vi rộng nhất các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục