Bitcoin phá mốc 55.000 USD, nhiều đồng tiền ảo khác "lọt mắt xanh" NĐT
Giá bitcoin có thời điểm phá mốc 55.000 USD trong phiên giao dịch 6/10 trên thị trường quốc tế, mức cao nhất kể từ tháng 5 đến nay.
Quan ngại của thị trường về sự siết chặt quy định trong lĩnh vực tiền điện tử trên toàn cầu đã giảm bớt trong tuần này khi cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán và sàn Giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler đều cho biết họ không có kế hoạch áp đặt hạn chế nào với giao dịch tiền ảo. Môi trường pháp lý sáng sủa hơn lập tức đẩy giá bitcoin và một số đồng tiền điện tử tăng vọt.
Bill Baruch, chủ tịch của Blue Line Capital vào mùa hè qua đã có kế hoạch mua thêm bitcoin trong danh mục đầu tư khi giá bitcoin giảm mạnh. Ở thời điểm giá bitcoin xuống 32.000 USD, ông Bill Baruch đã mua vào một số bitcoin và dự kiến tiếp tục mua nếu giá bitcoin giảm sâu xuống mức sàn 20.000 USD. “Nó đã không chạm đến mức đáy đó…. Do đó, tôi đang nghiên cứu thêm và tìm các đồng tiền ảo khác để đầu tư nốt số tiền mà tôi muốn đổ vào thị trường tiền điện tử” - ông Bill Baruch cho biết trên tờ CNBC.
Hai đồng tiền điện tử mà ông này đang cân nhắc là Solana và Algorand. “Solana là đồng tiền có giá trị lớn nhất trong danh mục đầu tư của tôi hiện tại. Tôi đã mua nó vào thời điểm khá tốt và hiện nó đang tăng mạnh… Algorand đối với tôi cũng giống như Solana thời điểm 2-3 năm về trước”.
Kể từ khi lập đỉnh ở mốc 63.000 USD hồi tháng 4, bitcoin đã lao dốc trong vài tháng qua, nhiều thời điểm xuống dưới ngưỡng 30.000 USD do nhiều nguyên nhân khác nhau: các động thái mạnh tay siết chặt quy định quản lý của nhiều chính phủ trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc; hay mới đây nhất là mối quan ngại làn sóng Covid-19 tiếp theo gây ra bởi biến chủng delta đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nhìn chung, ác động thái siết chặt kiểm soát tiền điện tử của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giá bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử khác trong suốt tháng 6 và tháng 7. Hôm 21/6, PBoC đã triệu tập một số tổ chức tài chính và nhà băng lớn, chẳng hạn Alipay (dịch vụ thanh toán di động do Ant Group trực thuộc Alibaba điều hành), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc để thảo luận về việc không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Động thái củng cố thêm quan điểm cứng rắn của Trung Quốc với tiền tệ kỹ thuật số.
Chính phủ Trung Quốc cũng đóng cửa hàng loạt mỏ khai thác tiền điện tử ở Nội Mông và Tứ Xuyên trong những tuần qua. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc thẳng thừng tuyên bố cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm ngăn ngừa rủi ro lan sang các lĩnh vực xã hội. Trong một động thái mạnh tay khác, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ đối với những cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ sử dụng tiền điện tử trái pháp luật. Các cơ quan quản lý cũng gây áp lực lên ngân hàng và doanh nghiệp thanh toán về việc ngừng cung cấp dịch vụ tiền điện tử.
Nick Mancini, nhà phân tích tiền điện tử tại Trade the Chain dự báo trong dài hạn, có triển vọng tăng giá với thị trường tiền điện tử khi các quốc gia dân chủ chấp nhận bitcoin như một loại tiền tệ và các thợ đào bitcoin chuyển sang những quốc gia chấp thuận hoạt động này.
Ngoài ra, thị trường tiền điện tử cũng ghi nhận nhiều tín hiệu sáng trong tương lai. Chẳng hạn, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang xem xét phương thức thanh toán bằng tiền kỹ thuật số và blockchain, bao gồm bitcoin.