Sản xuất da giày Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội EVFTA
Thấm đòn Covid-19
Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2020, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu da giày từ Hiệp định EVFTA do Bộ Công Thương và Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO) tổ chức ghi nhận nhiều thông tin về thực trạng các doanh nghiệp ngành da giày.
Theo mục tiêu đề ra, năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, túi xách Việt Nam sẽ đạt 24 tỷ USD. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch nên 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 9 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019. Năm ngoái, xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018.
Tính từ khi Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhiều doanh nghiệp da giày đã cố gắng giữ chân người lao động, hoạt động sản xuất cầm chừng do các đối tác nước ngoài chưa trở lại hoạt động bình thường. Nhiều đơn vị trong ngành buộc lòng tạm ngưng hoặc cắt giảm qui mô sản xuất.
Cụ thể, cuối tháng 5/2020, Công ty TNHH Giày da Huê Phong đã cho hơn 2.200 công nhân nghỉ việc do không có đơn hàng xuất khẩu. Nếu tình hình đơn hàng không khả quan hơn, công ty này bắt buộc phải lên kế hoạch cắt giảm thêm khoảng 500 lao động nữa trong thời gian tới.
Tập đoàn da giày có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam là Pouchen (Đài Loan) cũng có động thái điều chỉnh quy mô sản xuất. Công ty con của Pouchen là Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM) cũng không thể cầm cự khi số lượng lao động quá lớn, trong khi đơn hàng sụt giảm. Theo đó, PouYuen vừa thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với gần 3.000 công nhân.
Các doanh nghiệp FDI đang là trụ cột, đóng góp hơn 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nên bất kỳ một động thái thu hẹp sản xuất dù ở quy mô nhỏ cũng tác động trực tiếp đến tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu, huống hồ 2 doanh nghiệp kể trên đều là những “anh cả”, với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng.
Trên thực tế, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu giờ đây đã bắt đầu “thấm đòn” Covid-19 khi không có đơn hàng sản xuất, không thể cầm cự nổi đành phải áp dụng biện pháp cắt giảm hàng loạt lao động. Việc sa thải này có thể sẽ còn tiếp diễn nếu dịch bệnh ở các nước châu Âu và Mỹ vẫn còn.
Theo Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (LEFASO), khó khăn hiện nay đối với doanh nghiệp da giày trong nước là thị trường xuất khẩu lớn ở Mỹ và châu Âu vẫn còn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng mới từ các khu vực này, dẫn đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh và công ăn việc làm của người lao động đều bị tác động tiêu cực. Với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nguồn tài chính có hạn không thể duy trì hoạt động nếu như đơn hàng sản xuất không có.
Mỹ và EU là hai thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong nhiều năm qua. Riêng năm ngoái hai thị trường này chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Khi dịch bệnh bùng phát, từ giữa tháng 3 đến nay, một số doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất cầm chừng để phục vụ các đơn hàng có từ trước đó, hoạt động sản xuất duy trì đến hết tháng 6 này. Tuy nhiên, bước sang tháng 7 và từ đó về sau, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận được đơn hàng của nhà nhập khẩu từ hai thị trường Mỹ và EU.
Cơ hội định vị lại ngành da giày Việt Nam
Vấn đề hiện nay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày là cần cố gắng xoay xở để có thể tồn tại trong cơn đại dịch Covid-19, sau đó có thể bước vào khung cửa rộng của thị trường toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới "định vị" lại chuỗi cung ứng hậu Covid-19 mà Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh.
Hiện chỉ có 30-40% DN trong ngành da giày tự chủ được nguyên liệu, 60-70% DN còn lại chủ yếu làm gia công. Mặc dù được đánh giá là cơ hội rất lớn từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam (EVFTA), song ngành da giày Việt Nam cũng đối diện với những thách thức không nhỏ.
Việc ký hiệp định EVFTA đã mang lại lợi ích to lớn cho ngành da giày Việt Nam. Hiệp định mới này sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế, củng cố các hoạt động thương mại và đầu tư cho ngành giày dép, túi xách Việt Nam. Nhưng ngành Việt nam phải đối mặt với các yếu tố như ảnh hưởng của bảo hộ thương mại, chi phí lao động tăng cao và năng suất lao động thấp, ứng dụng tự động hóa và công nghiệp 4.0 còn hạn chế.
Theo quy định của EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép (các loại giày chống thấm cao-su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép…). Tuy nhiên, các DN da giày chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu và để được hưởng thuế suất thấp, các DN sẽ phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua hàm lượng giá trị trong khu vực (RVC) khi sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và các nước thành viên trong EVFTA.
Để làm được điều này, theo LEFASO, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được DN Việt Nam sản xuất phải nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong EVFTA, đồng thời, giúp giảm các chi phí kho vận và nâng cao sự chủ động của DN Việt.
Toàn ngành da giày, túi xách Việt Nam với hơn 1.700 doanh nghiệp, thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu nên các doanh nghiệp da giày vẫn chưa thể tận dụng ngay các lợi thế EVFTA.