Sản xuất tại Trung Quốc mở rộng trong tháng 3 bất chấp dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu
Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 tăng vọt lên 52,0, từ mức thấp kỷ lục 35,7 hồi tháng 2. PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất, qua đó phản ánh bức tranh phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc sau nhiều tuần liền phong tỏa để kiểm soát đại dịch Covid-19.
Trước đó, các nhà phân tích Reuters dự kiến chỉ số PMI sản xuất tháng 3 của Trung Quốc khoảng 45, tăng mạnh so với mức 35,7 hồi tháng trước nhưng vẫn nằm trong lãnh thổ thu hẹp.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS cho hay sẽ tiếp tục cải thiện công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh song song với phục hồi sản xuất trong các tháng tiếp theo. Ngoài ra, cũng theo NBS, các chỉ số kinh tế phụ bao gồm thị trường việc làm và đơn hàng mới cũng cho thấy sự phục hồi đầy lạc quan. Cơ quan này tuy vậy cảnh báo chỉ số PMI mở rộng không có nghĩa các hoạt động kinh tế của đất nước đã trở lại mức bình thường.
Trong suốt tháng 2, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như tê liệt khi chính phủ Bắc Kinh tiến hành phong tỏa hàng loạt tỉnh thành trong nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan đại dịch Covid-19. Những biện pháp hạn chế giao thông, phong tỏa địa phương, đóng cửa doanh nghiệp và trường học gần như khiến nền kinh tế chững lại hoàn toàn. Ngay sau khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhiều tỉnh thành, ban hành hàng loạt chính sách và công cụ kích thích kinh tế phục hồi trở lại.
Qian Wang, nhà kinh tế trưởng châu Á Thái Bình Dương tại Vanguard Investment Strategy nhận định chỉ số PMI sản xuất tháng 3 mở rộng là điều hoàn toàn nằm trong kỳ vọng khi hoạt động sản xuất cải thiện đáng kể. “Nền kinh tế Trung Quốc đã đóng băng trong tháng 2. Không mất nhiều thời gian để tăng trưởng mạnh mẽ từ một nền tảng thấp như vậy”.
“Mặc dù chỉ số PMI sản xuất nằm trong lãnh thổ mở rộng, nó chỉ nhích trên mức trung lập 50 vài điểm - phản ánh sự phục hồi khiêm tốn và từ từ trong các hoạt động kinh tế. Vẫn còn nhiều lực cản trong sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc” - Qian Wang nói thêm. Một trong số những lực cản đáng kể là “triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm cũng như nhu cầu nội địa giảm mạnh, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng”.
Qian Wang dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 1-2% trong năm 2020 với phục hồi trong nửa cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trở lại và nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi bối cảnh ảm đạm hiện tại.
“Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona trong năm nay, và sẵn sàng đánh đổi những con số ấy miễn là có sự ổn định xã hội… Sự ổn định ấy có lẽ là điều các nhà hoạch định chính sách lo lắng hơn cả những con số tăng trưởng” - Qian Wang nhận định.
Hôm 30/3, Bộ Công nghiệp Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp lớn khôi phục hoạt động lên tới 98,6% trên cả nước, tính đến 28/3. Số công nhân trở lại các nhà máy cũng tăng mạnh lên 89,9%.