Hàng triệu người Trung Quốc đang vỡ nợ tín dụng vì đại dịch Covid-19

30/03/2020 16:36 GMT+7
Giống như hàng triệu người khác, Zhang Chunzi đã tiêu tiền trong thẻ tín dụng với suy nghĩ sẽ dùng lương hàng tháng để trả nợ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và thay đổi mọi thứ.

Zhang Chunzi hiện đã nghỉ việc tại một công ty xuất khẩu hàng may mặc ở Hàng Châu, Chiết Giang và đang đối mặt với khoản nợ thẻ tín dụng 12.000 NDT (1.700 USD). “Tất cả các hóa đơn đều đã quá hạn và tôi không có cách nào trả hết những khoản nợ” - cô gái 23 tuổi cho hay.

Không riêng Zhang, hàng triệu người Trung Quốc cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự khi dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 1 khiến chính phủ nước này phải phong tỏa đa số tỉnh thành, buộc doanh nghiệp đóng cửa và người lao động ở nhà trong nhiều tuần liền. Ngay cả khi Trung Quốc đang dần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở khắp nơi trên thế giới bao gồm Châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia Châu Á cũng khiến nhu cầu giảm mạnh, đặt các doanh nghiệp Trung Quốc vào tình cảnh lao đao. 

Nhiều nhà phân tích chỉ ra chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi xảy ra làn sóng vỡ nợ cá nhân và hộ gia đình trên toàn cầu khi dịch Covid-19 làm tăng vọt tỷ lệ thất nghiệp. 

Hàng triệu người Trung Quốc đang vỡ nợ tín dụng vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Làn sóng vỡ nợ tín dụng có thể sắp lan khắp Trung Quốc khi dịch Covid-19 làm tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp

Tại Trung Quốc, số lượng thẻ tín dụng có khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn trong tháng 2 đã tăng vọt 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một nguồn tin của Bloomberg. Qudian, một công ty cho vay trực tuyến có trụ sở tại Bắc Kinh cũng cho biết tỷ lệ nợ quá hạn đã tăng từ 13% hồi tháng 12/2019 lên 20% trong tháng 2/2020.

Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, một trong những nhà băng cung cấp tín dụng tiêu dùng lớn nhất đất nước cho biết đã ngưng hoạt động kinh doanh phát hành thẻ tín dụng doanh nghiệp khi các khoản nợ tín dụng quá hạn tăng đáng kể. Ước tính, có 8 triệu người Trung Quốc đã mất việc trong tháng 2, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia tỷ dân này. 

Martin Chorzempa, một nhà nghiên cứu tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, Washington nhận định: “Thực tế diễn ra ở Trung Quốc hiện tại là tấm gương phản ánh trước những gì sắp diễn ra trên toàn thế giới”. 

Tại nhiều quốc gia như Pháp, Thụy Sĩ, New Zealand, Nigeria…, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP quốc gia chưa bao giờ cao như vậy, theo báo cáo tháng 1 của Viện Tài chính Quốc tế. Tại Australia, quốc gia có mức nợ hộ gia đình cao nhất trong G20, ngân hàng cho vay lớn nhất đất nước cho biết các đường dây hỗ trợ tài chính đã nhận được số cuộc gọi gấp 8 lần thông thường khi bệnh dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Tại Mỹ, nơi số nợ tín dụng quá hạn đã tăng lên mức kỷ lục 930 tỷ USD vào năm ngoái; những yêu cầu hỗ trợ tài chính cũng đang tăng vọt. Hồi tuần trước, Bộ Lao động nhận được 3,3 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp, gấp 4 lần mức kỷ lục thời đại trước đó và gấp 5 lần lượng đơn cao nhất khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 diễn ra. 

Quay trở lại thực trạng tại Trung Quốc, gánh nặng nợ hộ gia đình đã tăng vọt trong những năm gần đây lên mức 55.000 tỷ CNY vào năm ngoái. Con số đó gần như đã tăng gấp đôi so với hồi năm 2015, do sự bùng nổ giá nhà ở và sự gia tăng các dịch vụ cho vay trực tuyến tiện ích như Ant Financial. 

Zhao Jian, người đứng đầu Atlantis Financial Research đã thực hiện một cuộc khảo sát vay nợ tại Trung Quốc và chỉ ra tỷ lệ người tiêu dùng vỡ nợ, mất khả năng thanh toán nợ tại một số ngân hàng đã tăng từ 1% trước đại dịch lên 4%.

Một giám đốc điều hành ngân hàng lớn ở Trung Quốc cho hay đang nỗ lực thắt chặt các khoản vay tín dụng hoặc thậm chí từ chối khách hàng khi các khoản nợ quá hạn gia tăng nhanh chóng. 

Khi tình trạng hộ gia đình vỡ nợ tăng lên, nhiều ngân hàng Trung Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng đột biến lên 5,2 nghìn tỷ CNY và lợi nhuận thu hẹp tới 39%, theo kịch bản tồi tệ nhất mà UBS Group đưa ra. 

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực bơm thanh khoản, nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại nhằm làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, xoa dịu tác động kinh tế từ đại dịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp như vậy có thể không giúp ích nhiều ở một quốc gia gánh nặng nợ quá lớn như Trung Quốc. Theo Viện tài chính Quốc tế IIF, tỷ lệ nợ trên thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng từ mức 30% trong 1 thập kỷ trước lên 92% vào cuối năm 2018, vượt qua cả Đức và tương đương với Mỹ, Nhật Bản. Giờ đây, với nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều người tiêu dùng chắc chắn sẽ đối mặt với rủi ro vỡ nợ. 

Yin Weijun, một thanh niên 27 tuổi vừa nghỉ công việc đầu bếp khách sạn ở Ôn Châu, Chiết Giang cho hay: “Tôi chưa bao giờ chậm thanh toán khoản nợ nào trong đời, nhưng dịch bệnh không cho tôi lựa chọn. Ngay cả khi tôi có thời gian gia hạn nợ 1-2 tháng, tôi vẫn không có khả năng trả nợ khi không có công việc”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục