Sau đại dịch, thế giới sẽ đối diện hàng loạt cuộc khủng hoảng tiềm năng

24/05/2021 13:18 GMT+7
Mới đây, Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cảnh báo về hàng loạt cuộc khủng hoảng tiềm năng mà thế giới có thể phải đối mặt sau đại dịch Covid-19.

Ông Ban Ki-moon, người từng giữ chức Tổng thư ký Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2007-2016 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu nâng cao tham vọng giải quyết hàng loạt vấn đề đe dọa cuộc sống của nhân loại, từ biến đổi khí hậu cho đến khan hiếm nguồn nước.

“Vẫn còn 2 tỷ người thiếu nước sinh hoạt, hơn 1,5 tỷ người sống trong tình trạng không có điện và hơn 60 triệu trẻ em trong độ tuổi học sinh không được đến trường, thậm chí là học tiểu học ... Thật đáng buồn, đây là thực sự đau lòng” - ông Ban Ki-moon nhấn mạnh. “Chúng ta đang đứng trên bờ vực của tất cả những cuộc khủng hoảng này… Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu nên có tầm nhìn toàn cầu sâu rộng, rằng chúng ta đang cùng tồn tại trong một thế giới…”

Sau đại dịch, thế giới sẽ đối diện hàng loạt cuộc khủng hoảng tiềm năng - Ảnh 1.

Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo sau đại dịch, thế giới sẽ đối diện hàng loạt cuộc khủng hoảng tiềm năng

Theo ông Ban Ki-moon, thập kỷ tiếp theo là khoảng thời gian quan trọng đối với các nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Đây là 17 mục tiêu do tổ chức có trụ sở tại New York đưa ra nhằm kêu gọi hành động vì sự bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường vào năm 2030.

Vị cựu Tổng Thư ký Liên Hợp quốc nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng đại dịch đang diễn ra đã làm trầm trọng thêm nhiều thách thức khác, chẳng hạn như tình trạng thiếu nước hay an ninh lương thực. “Khi hàng nghìn tỷ USD đang được chi để kiểm soát coronavirus, tôi nghĩ chúng ta cần nhìn thấy một bức tranh rộng lớn hơn”.

Giám đốc điều hành Trung tâm Thích ứng Toàn cầu, Patrick Verkooijen cũng nhận định đại dịch Covid-19 là một “hồi chuông cảnh tỉnh”. “Chúng ta hoàn toàn không chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo, chẳng hạn tình trạng khẩn cấp về khí hậu ... 90% các thảm họa thiên nhiên liên quan đến nước, lũ lụt, hạn hán, bão, hỏa hoạn… Trong hai thập kỷ gần đây, những thảm họa khí hậu này đã tăng gấp đôi. Ít nhất nửa triệu người đã mất mạng và thiệt hại kinh tế hơn 2 nghìn tỷ USD”.

“Chỉ tính riêng tại Mỹ, năm 2017, ba cơn siêu bão đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ 265 tỷ USD. Năm ngoái, năm 2020, một trận bão gây thiệt hại kinh tế hơn 55 tỷ USD. Tôi nghĩ (Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu) John Kerry đã nói rất hay, chúng ta hiện nhận thức rõ ràng rằng đầu tư vào việc phòng ngừa rủi ro hiệu quả hơn nhiều so với chi tiền khắc phục rủi ro sau đó”.

Chính Tân Tổng thống Biden cũng gấp rút triển khai những chương trình nghị sự biến đổi khí hậu ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức khi nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của phát triển bền vững. Một trong ba sắc lệnh đầu tiên mà ông Biden đặt bút ký trong ngày đầu tiên tiến vào Nhà Trắng là đưa Mỹ trở lại Hiệp định khí hậu Paris, một hiệp định mà cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đặt nhiều tham vọng.

Nhà Trắng đang có kế hoạch nâng thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% hiện tại nhằm tăng thu ngân sách để đầu tư vào các hạng mục cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Một phần đáng kể trong kế hoạch này sẽ được đầu tư cho các cơ sở hạ tầng xanh, bảo vệ môi trường như các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo, qua đó vừa kích thích tạo ra việc làm cho nền kinh tế Mỹ, vừa thúc đẩy xu hướng kinh tế xanh.


NTTD
Cùng chuyên mục