1 quốc gia ủng hộ đề xuất thuế doanh nghiệp toàn cầu của chính quyền Biden
“Đây thực sự là một tiến bộ lớn”, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết sáng 21/5 sau tuyên bố của Mỹ. “Chúng tôi rất vui vì có vẻ như chúng ta sẽ có giải pháp vào mùa hè năm nay. Và chính quyền mới của Mỹ đang tạo ra sự khác biệt vì hành động như vậy là khả thi… Đây là cơ hội tốt nhất để thực hiện một cuộc cải cách thuế toàn cầu nhằm chống lại một cuộc đua giảm thuế xuống đáy”.
Trước đó một ngày, Bộ Tài chính Mỹ công bố đề xuất mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%, nhưng tuyên bố tham vọng sau các cuộc đàm phán quốc tế là nâng mức thuế cuối cùng lên hơn con số sàn này. Hiện thuế doanh nghiệp tại Mỹ đang ở mức 21%, nhưng Tổng thống Joe Biden có kế hoạch nâng lên mức 28% để trang trải cho Kế hoạch việc làm cho nước Mỹ nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng toàn quốc.
Với đề xuất thuế doanh nghiệp toàn cầu, chính quyền ông Biden tham vọng nâng mức thuế doanh nghiệp cao hơn ở các nước còn lại trên thế giới.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng đề xuất tăng thuế của Mỹ sẽ gây tranh cãi ở Liên minh châu Âu, nơi các quốc gia thành viên tính mức thuế doanh nghiệp khác nhau nhằm tạo lợi thế cạnh tranh tương đối cho quốc gia. Ví dụ, thuế suất doanh nghiệp của Ireland là 12,5%, trong khi ở Pháp có thể cao tới 31%. Phát biểu vào tháng 4/2021, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết các quốc gia nhỏ hơn nên được phép có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn để bù lại năng lực quy mô mà các nền kinh tế lớn hơn đang có, tờ Guardian của Anh đưa tin.
Về phía Mỹ, ông Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia kiêm phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ cho hay rằng nỗ lực thuyết phục các đồng minh áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được thúc đẩy bởi cả hai yếu tố: kinh tế và an ninh quốc gia. “Đó không chỉ là vấn đề thuế. Trọng tâm ở đây là làm thế nào để các chính phủ tài trợ cho những sáng kiến mà chúng ta cho là trọng tâm trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Ông Singh giải thích rằng việc các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thống nhất quan điểm về mức thuế sẽ tạo ra cơ hội nâng cao lợi thế cạnh tranh dựa trên khả năng thúc đẩy sự đổi mới cũng như nâng cao trình độ lao động. Mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% cũng cho phép các chính phủ có thêm nguồn thu ngân sách tài trợ cho các dự án trong nước mà chính quyền Tổng thống Biden cho là quan trọng với an ninh quốc gia.
“Chiến lược an ninh quốc gia của chúng tôi dựa trên sự đổi mới trong nước… Những thách thức như tình trạng bất bình đẳng, cuộc khủng hoảng khí hậu hiện hữu, thị trường lao động yếu kém… đòi hỏi chính phủ đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết những thách thức”.
“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: các công ty đã cạnh tranh lâu nay trên cơ sở thuế suất của các quốc gia. Đó rõ ràng là một cuộc đua hủy diệt khiến mọi thứ ngày càng tệ hơn… Vì vậy, đề xuất của chúng tôi là đồng ý về một mức thuế tối thiểu cho các tập đoàn trên toàn cầu. Và sau đó, dựa trên mức thuế đó, chúng ta cạnh tranh về khả năng đổi mới, sự năng động của lực lượng lao động và lợi thế công nghệ của mỗi quốc gia”.