Sau HP, Dell, Google tính chuyển sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam

29/08/2019 09:18 GMT+7
“Gã khổng lồ internet” Mỹ dự định chuyển một số dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay nhằm tránh sự ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Google sẽ sử dụng một nhà máy Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh để sử dụng sản xuất smartphone Pixel.

Theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review, Google sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam. Google chọn Việt Nam làm điểm đến trong kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng chi phí thấp tại Đông Nam Á, tạo ra bàn đạp cho tham vọng phát triển thiết bị phần cứng.

Theo nguồn tin thân cận từ Nikkei, Google đã làm việc với một đối tác để chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh để sử dụng sản xuất smartphone Pixel. Bắc Ninh cũng là tỉnh mà Samsung đã chọn để phát triển chuỗi cung ứng điên thoại thông minh của hãng một thập kỷ trước, điều này sẽ giúp Google có thể tiếp cận được nguồn lực lao động có kinh nghiệm.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh chi phí lao động đang tăng ở Trung Quốc cùng với áp lực gia tăng từ thuế quan tăng vọt do căng thẳng thương mại Trung – Mỹ.

Theo Nikkei, “gã khổng lồ internet” Mỹ dự định sẽ chuyển khâu sản xuất của phần lớn thiết bị phần cứng dành cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc, trong đó bao gồm dòng điện thoại Pixel và dòng loa thông minh nổi tiếng của Google (Google Home).

Đối với loa thông minh Google Home, một số dây chuyền sản xuất có thể được chuyển đến Thái Lan. Tuy nhiên, hoạt động phát triển sản phẩm mới và sản xuất thời kì đầu cho dòng sản phẩm phần cứng vẫn diễn ra tại Trung Quốc.

Vì tầm quan trọng của thị trường Mỹ, Google phải chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh sự ảnh hưởng của hàng rào thuế quan giữa hai nước. Theo kế hoạch hiện tại, Google sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay.

Trong đó, dây chuyền sản xuất tại Việt Nam sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng trưởng trên thị trường điện thoại thông minh của Google. Trong năm nay, Google đặt mục tiêu xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu điện thoại thông minh, gấp đôi so với một năm trước.

Theo công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint, smartphone Pixel của Google vẫn là một công ty nhỏ trong ngành không được xếp hạng trong top 10 toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây nó đang phát triển nhanh chóng.

Smartphone Pixel của Google được ra mắt vào tháng 4 năm nay và trở thành thương hiệu di động lớn thứ năm tại Mỹ trong quý 2 năm 2019 và giành lấy thị phần mặc dù ngành công nghiệp suy thoái.

Chiến dịch phần cứng mạnh mẽ của Google dự kiến sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất di động hạng hai như LG Electronics và Sony. Khi hai hãng này đang gặp khó khăn khi ngành công nghiệp phải đối mặt với năm suy giảm thứ ba liên tiếp.

Bằng cách đa dạng hóa sản xuất tại Việt Nam, Google hi vọng sẽ duy trì ổn định hoạt động sản xuất dòng điện thoại Pixel, một sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android của chính hãng này.

Được cài đặt trong khoảng 80% điện thoại thông minh trên toàn thế giới, Android đang gặp phải thách thức từ đối thủ Trung Quốc Huawei Technologies – nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới này đã công bố nền tảng di động riêng của mình là Harmony OS hồi đầu tháng 8.

Theo công ty nghiên cứu IDC, năm 2018, Google đã xuất xưởng khoảng 4,7 triệu điện thoại thông minh, chỉ chiếm 0,3% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ smartphone Pixel 3A có giá 399 USD, Google đã xuất xưởng 4,1 triệu chiếc trong nửa đầu năm nay.

Google đã xuất xưởng 4,1 triệu chiếc trong nửa đầu năm nay nhờ smartphone Pixel 3A.

Gần 70% doanh số điện thoại thông minh của Google trong năm 2018 là ở Mỹ, thị trường lớn nhất của Google. Xếp sau đó là Vương Quốc Anh và Nhật Bản. Đối với loa thông minh, Mỹ chiếm khoảng 64% lô hàng.

Trước Google, hai hãng HP và Dell đã chuyển sản xuất máy chủ của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế trừng phạt từ Mỹ. Đồng thời chuyển một số sản xuất máy tính xách tay sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Apple cũng đang cân nhắc nghiên cứu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, mặc dù họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc với hơn 90% phần cứng được sản xuất tại nước này.

Ngoài các hãng công nghệ lớn của Mỹ, các công ty công nghệ toàn cầu khác cũng “nối gót” nhau rời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Đầu tháng 7, nhà sản xuất hãng đồ chơi điện tử Nintendo của Nhật Bản đã có thông tin sẽ chuyển một số cơ sở sản xuất thiết bị chơi game cầm tay (Switch) từ Trung Quốc sang Việt Nam vì lo ngại ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

Dynabook, công ty con của Sharp cũng đang cân nhắc kế hoạch chuyển bộ phận sản xuất máy tính cá nhân phục vụ cho thị trường Mỹ sang một nhà máy tại Việt Nam.

Ngay cả công ty điện tử đa quốc gia TCL của Trung Quốc cũng có ý định “quay lưng” với chính nước này khi đang tính chuyển sản xuất TV từ Trung Quốc sang Việt Nam.

 

 

Thu Trà
Tags:
Cùng chuyên mục