Sau khi bị “thổi bay” 11.000 tỉ đô la, cơn suy sụp của chứng khoán toàn cầu có thể chưa kết thúc

16/05/2022 06:42 GMT+7
Cuộc tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán trên trên toàn cầu kể từ cuối tháng 3 đã “thổi bay” 11.000 tỉ đô la vốn hóa nhưng tin xấu
Sau khi bị “thổi bay” 11.000 tỉ đô la, cơn suy sụp của chứng khoán toàn cầu có thể chưa kết thúc - Ảnh 1.

Các nhân viên giao dịch làm việc trên trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: Reuters

Làn sóng báo tháo các cổ phiếu trong chỉ số chứng khoán thế giới, MSCI All Country World Index (ACWI), theo dõi biến động giá 2.937 cổ phiếu vốn hóa lớn vừa và nhỏ tiêu biểu ở 23 thị trường phát triển và 24 thị trường mới nổi trên toàn cầu, đã khiến mức định giá của các công ty đại chúng ở Mỹ và châu Âu giảm mạnh. Tuy nhiên, các nhà chiến lược ở các ngân hàng đầu tư lớn trên toàn cầu dự báo chứng khoán sẽ còn giảm điểm thêm nữa trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương chuyển sang chu kỳ thắt chặt tiền tệ, tăng trưởng kinh tế giảm tốc, đặc biệt là ở Mỹ.

Dòng tiền tiếp tục bị rút ra mọi hạng mục tài sản và sự tháo chạy này càng mạnh hơn khi các nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu của các công ty tên tuổi như Apple, theo Ngân hàng Bank of America. Xét theo dữ liệu lịch sử, chỉ số S&P 500, theo dõi biến động giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ, vẫn có khả năng giảm thêm gần 14% trước khi chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh.

Andreas Lipkow, nhà chiến lược gia tại Ngân hàng Comdirect Bank, cho biết: “Giới đầu tư tiếp tục giảm vị thế nắm giữ của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng. Nhưng tâm lý của giới đầu tư cần phải xấu thêm nữa để giúp thị trường hình thành vùng đáy tiềm năng”.

Mặt khác, một số nhà chiến lược cho rằng cơn suy sụp của thị trường đã tạo ra cơ hội đầu tư giá trị ở nhóm cổ phiếu hàng hóa và thậm chí cả công nghệ, được đánh giá cao về tăng trưởng thu nhập trong tương lai và do đó, thường bị “ruồng rẫy” trong thời kỳ lãi suất cao. Chỉ số Nasdaq 100, đại diện cho 100 công ty phi tài chính lớn nhất trên sàn Nasdaq của Mỹ  tăng điểm vào 13-5, nhưng vẫn giảm hơn 2% trong tuần vừa qua.

Nhà chiến lược Peter Oppenheimer ở Ngân hàng Goldman Sachs nhận định đã đến lúc mua vào cổ phiếu, trong khi Thomas Hayes, Chủ tịch Công ty Great Hill Capital cho biết cổ phiếu của các công ty công nghệ lâu đời gồm Intel và Cisco Systems đang giao dịch ở mức P/E (thị giá/ thu nhập trên mỗi cổ phiếu) hấp dẫn.

Dù vậy, bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn u ám khi các cảnh báo về suy thoái của nền kinh tế thế giới ngày càng được bàn luận nhiều hơn. Và khi các lo ngại về tăng trưởng gia tăng, sự tập trung kiểm soát lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác có nghĩa là giới đầu tư không thể trong chờ vào giải pháp tiền tệ từng giúp duy trì đà tăng giá dài hạn của thị trường.

Chỉ số MSCI ACWI đã giảm trong sáu tuần liên tiếp, và chỉ số Stoxx Europe 600, đại diện cho 600 cổ phiếu vốn hóa lớn, vừa và nhỏ ở 17 nước châu Âu, giảm 6% kể từ cuối tháng 3, trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm hơn 12%.

Chỉ số S&P 500 vẫn ở mức cao hơn 14% so với đường trung bình động (MA) 200 tuần của nó. Đường MA này là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy trong tất cả đợt giảm giá mạnh của thị trường trước đây, ngoại trừ thời kỳ bong bóng dot-com (cổ phiếu các công ty internet) bùng vỡ và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Các nhà chiến lược tại Công ty dịch vụ tài chính Canaccord Genuity cảnh báo chỉ số  S&P 500 có thể tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu tuần này do hoạt động bán giải chấp sau khi chỉ số này vừa trải qua thêm một tuần giảm điểm nữa.

S&P 500 giảm hơn 13% từ mức cao gần đây được thiết lập hôm 29-3 nhưng các chỉ số biểu thị sự căng thẳng vẫn chưa đạt các mức như đã được ghi nhận trong các thời kỳ thị trường suy sụp trước đây. Chỉ có chưa đến 30% số cổ phiếu trong chỉ số này giảm xuống mức giá thấp nhất trong một năm, so với tỷ lệ gần 50% trong đợt bán tháo cổ phiếu vào năm 2018 và 80% trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008.

Ngoài ra, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trong 14 ngày của S&P 500 chưa chạm đáy. Tuần trước, chỉ số Stoxx Europe 600 đã đi vào vùng quá bán, thường báo hiệu một đợt phục hồi sắp diễn ra, nhưng chỉ số S&P 500 chưa đi vào vùng này.

Dù mức định giá của các cổ phiếu công nghệ ở Mỹ giảm mạnh với chỉ số Nasdaq 100 đang giao dịch ở mức P/E tương lai là 20, thấp nhất kể từ tháng 4-2020, một số nhà chiến lược dự báo chúng sẽ tiếp tục chịu áp lực do tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Cổ phiếu công nghệ ở Mỹ vừa trải qua tuần bán ròng tồi tệ nhất trong năm nay, theo Ngân hàng Bank of America. Valerie Gastaldy, chuyên gia phân tích kỹ thuật ở Công ty Day By Day SAS, nhận định cả sau khi giảm đã giảm điểm mạnh, cổ phiếu ngành công nghệ vẫn có nguy cơ giảm thêm 10% trước khi tìm được đáy vững chắc.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã chứng kiến sự gục ngã hoàn toàn. Tuần giao dịch vừa qua rất khốc liệt và tâm lý giới đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ suy sụp nghiêm trọng. Nhưng chúng ta sẽ còn trải qua những tuần và tháng khó khăn ở phía trước”, Dan Boardman-Weston, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản BRI Wealth Management, cảnh báo.


Theo Kinh tế Sài Gòn
Cùng chuyên mục