Sầu riêng Bình Phước chờ ngày xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

Trần Khánh Thứ ba, ngày 11/01/2022 09:09 AM (GMT+7)
Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước đang xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng. Đây là tín hiệu tích cực để trái sầu riêng Bình Phước chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Bình luận 0

Xúc tiến cấp mã vùng trồng cho sầu riêng Bình Phước

Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết, hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng lần này sẽ xúc tiến cho 2 hộ nông dân trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Bù Đăng.

Đó là vườn trồng của nông dân Nguyễn Văn Hùng ở xã Phước Sơn và nông dân Nguyễn Ngọc Hùng ở xã Minh Hưng của huyện Bù Đăng.

Quy trình canh tác sầu riêng của 2 nông hộ này hiện đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP, với tổng diện tích 30ha.

Ngoài mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tiến hành hoàn tất thủ tục để cấp mã số đóng gói cho Công ty TNHH Minh Hàng chuyên thu mua và chế biến sầu riêng ở xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng).

Nông dân Bình Phước thu hoạch sầu riêng mùa vụ năm 2021. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân Bình Phước thu hoạch sầu riêng mùa vụ năm 2021. Ảnh: Trần Khánh

Thời gian để được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói kéo dài từ 3-6 tháng. Sau khi có mã số, các nông hộ và công ty đóng gói sẽ được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.

Nông dân Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, sầu riêng Bình Phước "sinh sau đẻ muộn" so với các tỉnh khác. Tuy nhiên, đất bazan ở Bình Phước rất thích hợp cho sầu riêng phát triển, 1ha sầu riêng có thể cho năng suất 10-15 tấn trái.

Cùng với quy trình canh tác sạch, chất lượng sầu riêng Bình Phước không thua kém các tỉnh khác.

Sầu riêng Bình Phước thường chín sớm hơn so với các tỉnh Tây Nguyên, nên được hưởng lợi thế giá bán cao đầu vụ. Vụ trái cây hè năm 2021, sầu riêng Bình Phước bán giá dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg.

Thời gian qua, dịch Covid-19 khiến thị trường nông sản gặp nhiều khó khăn thế nhưng sầu riêng vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường. Đến cuối vụ, dù giá sầu riêng giảm còn 35.000-40.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lời.

Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các yêu cầu canh tác nghiêm ngặt từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến nguyên tắc 4 đúng.

Ông Hùng cho rằng, mã số vùng trồng sẽ tạo động lực để nông dân sản xuất sạch, phục vụ xuất khẩu và đem lại giá bán ổn định hơn.

Thương hiệu cho sầu riêng Bình Phước

Từ đầu năm 2022, tất cả các mặt hàng nông sản muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải thông qua con đường chính ngạch.

Trước những yêu cầu mới đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, các nông hộ, HTX trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Bình Phước. 

TS. Trần Minh Hải, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (TP.HCM) trong một chuyến khảo sát gần đây cho biết, ông và nhiều doanh nghiệp không nghĩ rằng Bình Phước có nhiều diện tích sầu riêng như vậy.

Sở NNPTNT Bình Phước khảo sát vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ảnh: Bích Hiên

Sở NNPTNT Bình Phước khảo sát vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ảnh: Bích Hiên

TS. Hải đánh giá tương lai gần, sầu riêng sẽ là 1 trong những loại cây trồng có lợi thế cho Bình Phước.

Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL tạo điều kiện để Bình Phước phát triển cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. 

Tuy nhiên để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị, sầu riêng Bình Phước cần sớm xây dựng thương hiệu cho mình. 

Tiềm năng của thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Nhưng muốn vào được thị trường Trung Quốc, sản phẩm phải có thương hiệu, phải có mã vùng trồng, phải có mã cơ sở đóng gói...

"Như vậy, việc xây dựng thương hiệu phải được tiến hành khẩn trương và song hành với hàng loạt giải pháp khác như đầu tư kho lạnh, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, liên kết theo chuỗi...", TS. Hải chia sẻ.

Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu, một đơn vị đầu tư xây dựng vùng trồng sầu riêng ở Bình Phước cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng đầy tiềm năng, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước Đông Nam Á.

Thị trường Trung Quốc chủ yếu thu mua sản phẩm sầu riêng cấp đông, và nhập khẩu trái cây chính ngạch.

Thế nhưng, phần lớn các nông hộ, các HTX đều mạnh ai nấy làm; dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, khó tiếp cận thị trường khó tính.

Việc tuân thủ quy trình sản xuất cũng như các điều khoản ký kết giữa HTX và doanh nghiệp rất dễ bị phá vỡ bởi tác động của thị trường.

"Đây cũng là điểm yếu mà ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cần khắc phục trong thời gian tới", bà Vy đề nghị.

Sơ chế sầu riêng thành sản phẩm cấp đông để xuất khẩu ở Công ty XNK trái cây Chánh Thu. Ảnh: Công ty Chánh Thu cung cấp.

Sơ chế sầu riêng thành sản phẩm cấp đông để xuất khẩu ở Công ty XNK trái cây Chánh Thu. Ảnh: Công ty Chánh Thu cung cấp.

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 7 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Bình Phước chủ yếu là sầu riêng, nhãn, bưởi chuối, xoài, chiếm tỷ trọng 90%. Trong đó, cây sầu riêng có gần  3.000ha, bưởi da xanh gần 1.500ha, mít hơn 1.600ha.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, 2 loại trái cây là bưởi da xanh và sầu riêng hiện đã đàm phán xong, và đang chờ nghị định thư giữa 2 nước được ký kết thông qua để được cấp phép xuất khẩu chính ngạch.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã làm việc với Trung Quốc để có lộ trình xuất khẩu trái cây chính ngạch vào nước này.

"Sở NNPTNT sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng để chuẩn bị và đảm bảo cho việc xuất khẩu đi Trung Quốc dễ dàng", bà Tuyết chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem