Sau vụ tắc kênh đào Suez, đến lượt lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

27/07/2021 11:38 GMT+7
Các trận lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc và châu Âu vào tháng 7 qua đang trở thành thách thức đáng kể với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã gián đoạn trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vừa qua.

Tim Huxley, Giám đốc điều hành của Mandarin Shipping nhận định khi nói về sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do tình hình lũ lụt ở Trung Quốc và châu Âu: “Hiếm khi hàng tuần trôi qua mà tình hình không có gì khởi sắc”.

Hoạt động logistic toàn cầu đã bị gián đoạn nhiều lần trong năm nay khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi từ đại dịch, nhu cầu chi tiêu tăng lên dẫn đến sự thiếu hụt container và tăng giá cước vận tải.

Tiếp đó, hồi tháng 4, sự cố một trong những con tàu container lớn nhất thế giới mắc kẹt chắn ngang kênh đào Suez nhiều ngày đã khiến giao thông qua kênh đào đình trệ hàng tuần liền. Kênh Suez của Ai Cập là nơi thông qua hơn 12% kim ngạch thương mại toàn cầu bằng đường biển, một trong những tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp nhất hành tinh.

Sau vụ tắc kênh đào Suez, đến lượt lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc và châu Âu lại đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Hai tháng sau đó, vào tháng 6 năm nay, ổ dịch Covid-19 bùng phát ở miền Nam Trung Quốc buộc các nhà chức trách đóng cửa một phần cảng Diêm Điền tiếp tục gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Diêm Điền là một trong những cảng bận rộn nhất hành tinh, với khối lượng hàng hóa thông quan trong năm 2020 lên tới 13,34 triệu TEU (container tiêu chuẩn 20 ft), theo số liệu từ Cục Vận tải Thâm Quyến. Công suất phục vụ của cảng khoảng 100 tàu mỗi tuần, theo dữ liệu của trang web chính quyền Thâm Quyến.

Sau đó một tháng, vào giữa tháng 7, mưa lớn và lũ lụt đã tàn phá nhiều vùng Tây Âu, đặc biệt là Đức và Bỉ. Một số khu vực tại Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Tim Huxley nhận định: “Sự kiện trên thực sự sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng khi tất cả các liên kết đường sắt đều bị gián đoạn”, bao gồm các tuyến đường sắt đi từ Cộng hòa Séc và Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg của Đức. “Các chuyến hàng đến và đi đang bị trì hoãn, điều này thực sự đang giáng đòn mạnh mẽ lên ngành công nghiệp”.

Chẳng hạn, gã khổng lồ sản xuất thép Thyssenkrupp của Đức hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô trầm trọng do lũ lụt. S&P Global Platts đưa tin trong một thông điệp gửi khách hàng và đối tác, Thyssenkrupp hôm 16/7 đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng do thiên tai, lũ lụt làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng. Một nguồn tin tại các nhà máy của Thyssenkrupp cho hay linh kiện sản xuất đang thiếu hụt và các chuyến xe tải gặp khó khăn lớn trong việc giao hàng. 

Hệ quả của lũ lụt dự kiến cũng gây tác động tiêu cực tương tự với hàng loạt ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất động cơ, thiết bị gia dụng.

Không chỉ châu Âu, hôm 20/7, tỉnh Hà Nam miền Trung Trung Quốc cũng phải hứng chịu một đợt mưa lũ tồi tệ khiến hàng chục người tử vong và hàng trăm nghìn dân buộc phải di dời. Vùng tâm lũ nằm ở thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, nơi được mệnh danh là “thành phố iPhone” của Trung Quốc, với khu tổ hợp nhà máy sản xuất và lắp ráp iPhone quy mô lớn của Foxconn - đối tác chiến lược của Apple. 

Foxconn đã buộc phải tạm ngừng một phần dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Trịnh Châu khi tình hình ngập lụt kéo dài hơn 24 giờ sau mưa lớn. Nhật báo Trịnh Châu trích dẫn các nguồn tin cho biết khoảng 1/5 nhân viên của Foxconn không thể trở lại làm việc vào sáng 21/7, tức một ngày sau trận lũ lụt do các phương tiện giao thông công cộng đình trệ và tình trạng mất điện ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất.

Nhà máy sản xuất ô tô Nissan tại Trịnh Châu cũng buộc phải tạm dừng sản xuất sau khi đối tác của hãng tại địa phương là Dongfeng Auto báo cáo thiệt hại về tài sản sau lũ lụt. Cơ sở sản xuất ở Trịnh Châu của Nissan có sản lượng hàng năm lên tới 300.000 xe ô tô mới và động cơ. Đây là một trong những nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất miền Trung Trung Quốc.

Theo ông Huxley, hậu quả mà trận lũ lụt kinh hoàng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra với chuỗi cung ứng toàn cầu có thể còn mạnh mẽ hơn cả dư chấn từ trận lũ lụt ở châu Âu, do tỉnh Hà Nam hoàn toàn nằm trong đất liền và là một trong những thủ phủ sản xuất công nghiệp quan trọng nhất của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.


NTTD
Cùng chuyên mục