Sẽ khó có thêm đợt giảm lãi suất điều hành?
Kể từ ngày 13/5, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5% xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% xuống 3%/năm, lãi suất OMO giảm từ 3,5% xuống 3%/năm, trần lãi suất tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75% xuống 4,25%/năm...
Theo nhìn nhận của chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất điều hành là một tín hiệu tích cực cho thị trường, nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang vay vốn. Thông qua giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu…), NHNN sẽ hỗ trợ phần nào chi phí vốn cho các ngân hàng, dù số lượng ngân hàng tiếp cận nguồn vốn này từ NHNN là không nhiều.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhìn nhận, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN từ ngày 13/5 có ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế, nhưng chủ yếu là ở kỳ hạn ngắn, không có tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài.
"NHNN mới chỉ giảm trần lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn từ qua đêm đến dưới 6 tháng. Như vậy, đối với các kỳ hạn cho vay trung và dài hạn không có tác động nhiều, trong khi các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vay vốn trung và dài hạn. Các ngân hàng hiện đang huy động tiền gửi với lãi suất khá cao, nên phải cho vay với lãi suất cao", ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thêm dòng tiền từ cơ quan điều hành, giúp ngân hàng mạnh tay hạ lãi suất và cho vay hơn.
Tuy nhiên, mức độ tác động thực sự tới nền kinh tế dù tích cực nhưng vẫn chưa thể nhiều như kỳ vọng. Bởi thực chất các mức lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay hiện đã ở mức thấp rồi, trong khi nhu cầu vốn của ngân hàng chưa đủ mạnh.
Do đó, để đánh giá tác động của động thái hạ lãi suất điều hành lần này, cần phải chờ thêm một thời gian nữa để xem độ "ngấm" của dòng vốn. Bên cạnh đó, trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng đã "mạnh tay" cắt giảm lãi suất điều hành, thậm chí nhiều nước còn để mức lãi suất âm.
Chẳng hạn như Nhật Bản là -0,1%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là -0,5%, Australia là 0,25%... Do đó, việc cắt giảm lãi suất điều hành lần này của Việt Nam còn nhằm đưa lãi suất về mức hợp lý hơn, nhưng khó có thể cắt giảm mạnh hơn nữa do ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, lạm phát.
"Sẽ khó có thêm đợt giảm lãi suất điều hành lần nữa nếu nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19", ông Độ dự báo.
Ngược lại, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lại cho rằng, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất bởi trong tháng qua, áp lực lạm phát đã giảm, không còn căng như 2 tháng đầu năm, giá dầu dự báo chỉ đạt 20 - 25 USD/thùng. Sức cầu của kinh tế thế giới còn yếu, mặt bằng giá cả hầu như không tăng, việc nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài là rất thấp. Thêm vào đó, giá cả các mặt hàng trong nước đang được kiểm soát tốt, cung tiền ra nền kinh tế, nhất là tín dụng, thấp hơn nhiều năm trước (tín dụng dự kiến chỉ tăng 9 - 10%).