Đồng loạt hạ lãi suất, tiết kiệm chảy từ ngân hàng lãi suất thấp ngân hàng lãi suất cao?

13/05/2020 13:06 GMT+7
Với mức lạm phát bình quân 4%, lãi suất huy động hiện vẫn đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Nếu nhìn về tổng thể toàn ngành ngân hàng sẽ không thấy khả năng tiền rút ra khỏi hệ thống. Nếu có sẽ là sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm còn trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới 1 tháng giảm từ 0,5% xuống 0,2%/năm kể từ ngày hôm nay 13/5.

Ngay sau "mệnh lệnh" của NHNN, biểu lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) lập tức được điều chỉnh. Mặc dù theo quy định, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống 4,25%/năm, nhưng trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại còn điều chỉnh sâu hơn, có nơi xuống dưới 4%/năm. 

Ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động

Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại ACB đã giảm xuống còn 4,1-4,25%/năm (tùy thuộc vào số tiền gửi); lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,25%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ACB hiện là 6,3-6,6%/năm, giảm khoảng 0,2%/năm so với trước đó (đối với khách hàng ngoài khu vực TP.HCM). Trong khi các kỳ hạn dài hơn tại ACB không có thay đổi.

Lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng của Sacombank là 4,15-4,25%/năm, giảm 0,35-0,5 điểm phần trăm so với trước ngày 13/5.

Tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 3-5 tháng tại quầy của VPBank với số tiền dưới 300 triệu sẽ được hưởng lãi suất 3,95%/năm, giảm 0,5%/năm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng ở VPBank là 4,2%/năm, khi gửi tiền từ 3 tỷ trở lên. Lãi suất từ 6 tháng trở lên tại VPBank gần như không có sự thay đổi.

Tại OCB, không chỉ lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng giảm xuống tối đa 4,25%/năm mà một số kỳ hạn khác cũng thay đổi. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên giảm từ 7,5-7,6%/năm xuống còn 7,3-7,4%/năm;…

Trong khi đó tại ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV và VietinBank, lãi suất không kỳ hạn đều ở mức 0,1%/năm, thấp hơn so với mức trần quy định và cũng thấp nhất trong hệ thống.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank cũng thấp hơn so với trần quy định, hiện là 4,1-4,25%/năm. Tại VietinBank và BIDV, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng là 4%/năm, lãi suất kỳ hạn 3- dưới 6 tháng là 4,25%/năm.

Không lo dòng tiền chảy ra khỏi thị trường?

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái.

Đồng thời, trong nước nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Đối với các NHTM, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB thừa nhận, động thái giảm lãi suất của NHNN rất là tích cực và kịp thời bởi Chính phủ và hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tiết giảm lãi suất cho vay cho khách hàng, giảm chi phí phí tài chính cho khách hàng.

Tuy nhiên, trong mấy tháng qua các NHTM dù đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cố gắng tiết giảm chi phí của mình, cố gắng giảm lợi nhuận của ngân hàng song chỉ ở mức độ giảm nhất định. Trong khi đó, trong cơ cấu chi phí của ngân hàng thì chi phí nguồn vốn đầu vào chiếm tỷ trọng lớn (70 -80% giá thành của sản phẩm). Vì vậy, nếu không hạ lãi suất huy động xuống thì rất khó có thể hạ lãi suất đầu ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đồng loạt hạ lãi suất, tiết kiệm chảy từ ngân hàng lãi suất thấp ngân hàng lãi suất cao? - Ảnh 2.

Lãi suất huy động giảm nhưng vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền

Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ có Việt Nam mà gần như toàn cầu áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ và một trong đó là giải pháp hạ lãi suất. Như tại Nhật lãi suất âm, tại Mỹ lãi suất tiến về bằng 0. Vì vậy, động thái giảm lãi suất này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mang tính bền vững trong dài hạn bởi một khi giảm được lãi suất đầu vào của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của Việt Nam chắc chắn sẽ giảm.

Trước quan ngại về việc liệu lãi suất giảm huy động sẽ khiến cho dòng tiền chạy khỏi kênh tiết kiệm ngân hàng, ông Tùng cho rằng, điều đó sẽ không xảy ra bởi trong cân đối vĩ mô, 3 – 4 năm qua lạm phát của Việt Nam tương đối ổn định, giao động xung quanh mức 4%. Với mức lạm phát này, lãi suất bình quân rơi vào khoảng 4%-5%/năm vẫn đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương.

"Nếu có thì sẽ là dịch chuyển từ tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn qua kỳ hạn dài hơn hoặc điều chỉnh từ ngân hàng này sang ngân hàng khác bởi các ngân hàng hiện cạnh tranh huy động rất gay gắt. Nhưng nếu nhìn về tổng thể toàn ngành ngân hàng sẽ không thấy khả năng tiền rút ra khỏi hệ thống", vị lãnh đạo NHTM này nhấn mạnh.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục