Siêu tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt giữa kênh đào Suez: vì sao cả thế giới lo lắng?
Thư ký truyền thông Nhà Trắng Jen Psaki hôm thứ Sáu cho biết Mỹ đang theo dõi tình hình chặt chẽ. “Chúng tôi đã đề nghị chính phủ hỗ trợ các nhà chức trách Ai Cập nhằm thông suốt kênh đào. Những cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra”. Bà Psaki cũng cảnh báo về các tác động tiềm tàng mà vụ tắc nghẽn kênh đào Suez có thể gây ra với thị trường năng lượng.
Giá dầu đã tăng vọt trong phiên giao dịch 26/3 trên thị trường Mỹ trong bối cảnh quan ngại việc tắc nghẽn kênh đào có thể kéo dài trong vài tuần.
Ông Paola Rodriguez-Masiu, Phó chủ tịch phụ trách thị trường dầu tại Rystad Energy cho biết: “Các nhà giao dịch đã thay đổi suy nghĩ, họ cho rằng việc phong tỏa kênh đào Suez đang thực sự đang trở nên cấp thiết hơn với dòng chảy dầu mỏ cũng như nguồn cung năng lượng”.
Trong số bình quân 39,2 triệu thùng dầu thô được nhập khẩu mỗi ngày trên toàn hành tinh bằng đường biểu (số liệu năm 2020), có tới 1,74 triệu thùng đi qua kênh đào Suez mỗi ngày. Con số này chiếm dưới 5% dòng chảy dầu mỏ, nhưng tác động của nó sẽ trở nên rất lớn nếu tình hình tắc nghẽn kênh đào Suez kéo dài.
Ông Bernhard Schulte Shipmanagement, giám đốc kỹ thuật của con tàu Ever Given cho biết một nỗ lực khác vào thứ Sáu nhằm giải cứu con tàu bị mắc kẹt trong lòng kênh đào Suez đã thất bại. Một tàu nạo vét hút chuyên dụng có thể chuyển 2.000 mét khối vật liệu mỗi giờ hiện đã có mặt tại nơi con tàu mắc kẹt để thực hiện công tác giải cứu. Hai con tàu kéo khác dự kiến sẽ có mặt vào ngày 28/3 tới để giải cứu con tàu container lớn bậc nhất hành tinh.
Ông Douglas Kent, phó chủ tịch điều hành chiến lược và liên minh tại Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng thì lưu ý rằng ngay cả sau khi con tàu Ever Given được giải cứu thành công, các tác động sẽ tiếp tục kéo theo sau. Việc các con tàu đồng loạt đổ đến kênh Suez sau khi thông kênh đào dự kiến sẽ gây ra tình trạng ùn tắc. Chưa kể lịch trình thông cảng cho hàng hóa bị trì hoãn sẽ phải được lập kế hoạch lại từ đầu.
Kênh đào Suez là nơi thông qua khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu, nó từ lâu đã là nút giao thông thiết yếu của thế giới. Theo Lloyd’s List, mỗi ngày tắc nghẽn làm gián đoạn lượng hàng hóa trị giá hơn 9 tỷ USD.
Khi tình trạng ùn tắc dự kiến sẽ kéo dài trong vài tuần, một số nhà khai thác tàu đã quyết định định tuyến lại các tàu hàng, với hải trình vòng qua Mũi Hảo Vọng. Hành trình như vậy không chỉ làm tăng thời gian vận chuyển thêm khoảng 1 tuần, mà còn khiến chi phí vận chuyển đội lên nhiều lần.
Ông Anthony Fullbrook, chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Tập đoàn OEC nhận định: “Đó là một mớ hỗn độn khủng khiếp. Sự gián đoạn do hàng hóa tồn đọng ở kênh đào Suez xảy ra ngay tại thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng bởi đại dịch Covid-19.