Sợ ảnh hưởng tiến độ của nhà đầu tư, Quảng Nam xin không khai thác 500.000m3 cát trắng tại dự án
Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Ban Quản lý Khu kinh tế) đã có báo cáo số 43 do ông Lê Quang Triều - Phó Trưởng Ban ký về việc thu hồi cát trắng tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, sau khi nhận được báo cáo của Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai về việc phát sinh cát trắng thuộc phạm vi dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 24/01/2022; Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư mã số dự án 1111188580 ngày 17/2/2022. Theo Giấy chứng nhận đầu tư dự án có tổng diện tích 242ha, tổng vốn đầu tư là 768 tỷ đồng được chia làm ba giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 có 80ha, thời gian thực hiện từ quý I/2022 đến quý I/2024; giai đoạn 2 là 80ha thời gian thực hiện từ quý I/2024 đến quý I/2025 và giai đoạn 3 là 82ha, thời gian thực hiện từ quý I/2025 đến quý I/2026 Nhưng qua khảo sát, tiến hành khoan thăm dò 25 điểm và đánh giá sơ bộ thì toàn bộ diện tích dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng đều có cát trắng với chiều sâu tùy thuộc vào từng vị trí, trung bình từ 0,6 đến trên 2,0m với tổng trữ lượng cát trắng dự kiến trong toàn bộ phạm vi dự án khoảng 2,05 triệu m3. Riêng trong phạm vi 80ha giai đoạn 1 (dự kiến bàn giao đất cho Tập đoàn Hyosung) chiều sâu trung bình lớp cát trắng khoảng 0,6m, trữ lượng khoảng 500.000m3.
Cũng theo Ban Quản lý Khu kinh tế, về vấn đề các dự án đầu tư trên địa bàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp có phát hiện khoáng sản là cát trắng liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và khi triển khai dự án phát hiện có khoáng sản, BQL các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh đã có công văn gửi Bộ TNMT cùng Sở TNMT tỉnh. Và sau đó, UBND tỉnh đã có công văn số 4812/UBNDKTN ngày 29/7/2021 về việc đề nghị điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, đến nay Bộ TNMT chưa thực hiện việc điều chỉnh theo qui định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
"Từ các nội dung nêu trên và căn cứ theo quy định Điều 9 Nghị định 51/2021/NĐ-CP và Điều 65 của Luật Khoáng sản, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh đề xuất phương án thu hồi khoáng sản tại Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng với phương án là.
Đối với phần diện tích đất 80ha của giai đoạn I do yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Tập đoàn Hyosung xây dựng nhà máy, trong đó bàn giao trước 20ha trong tháng 6/2022 và chậm nhất cuối năm 2023 bàn giao đủ 60ha còn lại của giai đoạn I.
Mặt khác, tại khu vực này có chiều sâu lớp cát trắng nhỏ, việc khai thác, thu hồi khoáng sản không hiệu quả, thời gian kéo dài ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư. Vì vậy, kính đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ TNMT cho phép không khai thác thu hồi khoáng sản đối với phần diện tích 80ha giai đoạn I.
Còn đối với phần diện tích 162ha còn lại của giai đoạn II và III, thực hiện quý I/2024 đến quí I/2026, có trữ lượng khoảng 1,55 triệu khối. Thời gian này có thể vừa triển khai xây dựng vừa kết hợp thu hồi khoáng sản. Vì vậy, kính đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ TNMT cho phép thực hiện thu hồi khoáng sản theo quy định tại khoản 1 Điều 9, Nghị định 51/2020/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ", Ban Quản lý Khu kinh tế đề xuất.
Trước báo cáo của Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở TNMT làm việc với Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung và các đơn vị liên quan khảo sát cụ thể phân bố, chiều dày, sơ bộ trữ lượng khoáng sản trong phạm vi giai đoạn 1 với diện tích 80ha của dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Bộ TNMT với 2 phương án.
Đó là, trường hợp có trữ lượng thấp thì đề nghị cho phép không khai thác thu hồi khoáng sản. Còn đối với trường hợp có trữ lượng lớn thì thực hiện cho khai thác nhanh, không thông qua đánh giá trữ lượng; thực hiện thủ tục đấu giá khai thác khoáng sản theo tiến độ bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Hyosung.
"Yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm việc với Công ty TNHH Hyosung để thống nhất tiến độ bàn giao mặt bằng và cung cấp thông tin cho Sở TNTM để thực hiện các thủ tục đấu giá khai thác khoáng sản theo hình thức cuốn chiếu.
Còn đối với Sở TNMT khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung khảo sát, đánh giá khu vực khoáng sản cát trắng trên địa bàn tỉnh tại Phụ lục có số thứ tự IX.2 kèm theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 04/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Trung ương loại ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Công văn số 1041/UBND-KTN ngày 24/02/2022 của UBND tỉnh", UBND tỉnh nhấn mạnh.