Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý II/2019 giảm mạnh
Cụ thể, trong quý II/2019, cả nước có 38.514 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 484,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,8%. Số DN tạm dừng hoạt động giảm mạnh, với con số 14.096 DN, thấp hơn 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm chỉ có 44.996 DN tạm ngừng hoạt động và chủ yếu là các DN bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe (chiếm tới 39,1% số DN).
Kết quả khảo sát về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2019 của VEPR cho thấy, chỉ có 45,2% số DN tham gia khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn so với quý I. Số DN kinh doanh khó khăn lại lên tới 16,5%, cao hơn so với mức dự báo là 10,6%. Điều này cho thấy, cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại, số DN gặp khó khăn ngày một tăng cao. Thế nhưng với tình hình hiện tại, vẫn có tới 52% DN đánh giá tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong quý III/2019.
Về quy mô lao động, số lượng việc làm mới tăng cao trong quý II/2019. 650 nghìn việc được tạo thêm trong sáu tháng đầu năm. Lao động có xu hướng chuyển dịch ra ngoài khu vực công nghiệp, tăng trưởng lao động trong ngành đạt mức 2,3% - thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây (2018: 3,1%; 2017: 3,5%). Số lượng lao động hoạt động trong khu vực FDI tăng ổn định ở mức 3,2% sau bước nhảy vọt vào năm 2017. Tuy nhiên, lao động trong nhóm FDI chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng lao động và đây lại là nhóm thâm dụng công nghệ, vậy nên không nên quá hy vọng vào khu vực FDI trong việc tạo ra việc làm mới. Khu vực nhà nước có quy mô lao động ngày càng giảm, đi liền với quá trình thu hẹp khu vực này.
Báo cáo cũng chỉ ra trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI tăng 9,7% - cao hơn mức 8,5% của cùng kì năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6, 1.723 dự án cấp phép mới, tăng 26,1% vốn đăng ký, đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Ngành công nghiệp và chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với vốn chiếm tới 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tiếp theo là dòng vốn đổ vào ngành bất động sản cũng tăng, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.
Xét theo đối tác, trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc đạt 1.239,2 triệu USD, Nhật Bản đạt 972 triệu USD, Hồng Kông đạt 920,8 triệu USD.
Bình luận về con số này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu tính chung cả Trung Quốc và Hồng Kông thì khu vực này sẽ chiếm tới hơn 40% vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2019.
PGS, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - cho rằng, hiện tại tổng vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn. Tuy nhiên, nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường, điều kiện lao động,... Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong quá trình ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.