dd/mm/yyyy

Sơn La nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 Trung ương 5, khóa IX và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Sơn La đã chuyển biến lớn.

Các hợp tác xã ở Sơn La tạo việc làm cho 9.000 lao động

Trong những năm qua, để các hợp tác xã từng bước ổn định tổ chức bộ máy, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, động viên, khích lệ các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã tự giác thực hiện đúng quy định của pháp luật về hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan. 

Đồng thời, vận dụng chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sơn La…

Sơn La nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới  - Ảnh 1.

Nhân sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam vào cuối tháng 5 tại thành phố Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm diện tích trồng xoài xuất khẩu của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bản Nà Hạ, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Ảnh: Tuệ Linh.

Đến nay, Sơn La có 770 hợp tác xã, 6 liên hiệp hợp tác xã với 34.350 thành viên; tổng vốn điều lệ gần 600 tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt hai tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/lao động/năm.

Trong giai đoạn 2021-2025, Sơn La đã triển khai 32 lớp tập huấn cho thành viên các hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thẩm định, giải ngân cho 11 hợp tác xã với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng. Hỗ trợ vốn Chương trình giải quyết việc làm cho ba hợp tác xã vay với số tiền 440 triệu đồng; tư vấn hai hợp tác xã tiếp cận hai dự án vay 5 tỷ đồng vốn Quỹ hợp tác xã Trung ương.

Sơn La nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới  - Ảnh 2.

Hợp tác xã Thanh Sơn, bản Bó Phương, xã Yên Sơn (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) liên kết người dân tham gia sản xuất rau an toàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Ảnh: Tuệ Linh.

Đánh giá thực tiễn cho thấy hoạt động của các hợp tác xã ở Sơn La rất đa dạng, ở hầu hết lĩnh vực phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ. Điển hình là mô hình các hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hiện, Sơn La có 169 hợp tác xã nông nghiệp, 46 tổ hợp tác, 30 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với 196 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. Thông qua Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm", Sơn La có 81 sản phẩm thuộc Chương trình OCOP xếp hạng từ 3 đến 5 sao.

Sơn La nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới  - Ảnh 3.

Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng liên kết trồng và bao tiêu quả thanh long ruột đỏ cho các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Thuận xuất khẩu đi Nga. Ảnh: Tuệ Linh.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn thông tin: Hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng thành lập năm 2016 với 10 thành viên, quy mô sản xuất 50 ha cây ăn quả. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã đã tăng lên 20 thành viên, quy mô 170 ha cây ăn quả, trong đó 70 ha thanh long.

Từ năm 2020, hợp tác xã đã bao tiêu sản phẩm thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu đưa xuất khẩu sang thị trường Nga. Năm nay, Hợp tác xã Ngọc Hoàng phấn đấu tiêu thụ 1.500 tấn thanh long trong cả nước và xuất khẩu.

Sơn La triển khai nhiều giải pháp giúp các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm

Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Sơn La cho biết: Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn được chú trọng. Trong giai đoạn 2011-2021, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ trợ 40 lượt hợp tác xã xuất khẩu hàng hóa, ước đạt trên 708 triệu USD với 16 sản phẩm nông sản sang thị trường 14 nước, vùng lãnh thổ.

Sơn La nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới  - Ảnh 4.

Mô hình trồng na sầu riêng giúp các thành viên của HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo ông Lợi, Sơn La đã tổ chức 9 hội nghị xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản giúp các hợp tác xã, đơn vị sản xuất, chế biến của tỉnh ký kết liên kết phân phối và tiêu thụ các sản phẩm nông sản; 76 hội chợ với quy mô khoảng 7.600 gian hàng để trưng bày các sản phẩm cây ăn quả, sản phẩm nông sản của tỉnh; 7 tuần hàng nông sản an toàn với quy mô hơn 25 gian hàng của 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 30 sự kiện xúc tiến thương mại tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Hà Nội.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La phấn đấu nâng tỷ lệ hợp tác xã đạt tiêu chuẩn khá, giỏi từ 35% trở lên, giảm số hợp tác xã yếu kém xuống dưới 10%, số HTX làm ăn ổn định và có lãi từ 85% - 90%; thu nhập của cán bộ quản lý, thành viên tăng 15%/năm, doanh thu bình quân của HTX 2,6 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của một thành viên hợp tác xã 60 triệu đồng/năm. Phấn đấu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, lợi nhuận... hàng năm tăng từ 10% - 15% trở lên, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

PV Tây Bắc