Startup dùng công nghệ sinh học giúp người dân "biến lá ổi ra tiền"

Khải Phạm Thứ năm, ngày 22/06/2023 10:06 AM (GMT+7)
Nhờ công nghệ sinh học, Dự án "Tôi là Thảo mộc" đã biến lá ổi tưởng chừng bỏ đi thành các sản phẩm nước rửa tay, dầu gội, nước rửa bát... an toàn từ thiên nhiên.
Bình luận 0

Startup ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất

Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên là một Dự án Startup với rất nhiều sản phẩm từ thiên nhiên. Trong đó, Dự án "Tôi là Thảo mộc" sử dụng lá ổi tạo ra những sản phẩm sạch phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, giúp người dân có thêm thu nhập.

Starup dùng công nghệ sinh học giúp người dân "biến lá ổi ra tiền" - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc Kinh doanh Dự án "Tôi là Thảo mộc" của Tuệ Viên. Ảnh Khải Phạm.

Nói về lý do khởi nghiệp, Bà Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc Kinh doanh của Tuệ Viên cho biết, tư duy của người dân từ trước đến nay khi nói về tiêu dùng sạch thường nói đến phần ăn uống nhiều hơn. Tuy nhiên, một vấn đề tiêu dùng sạch ảnh hưởng lớn đến sức khỏe là rửa bát, rửa tay, gội đầu vẫn chưa được quan tâm. 

"Khi xã hội phát triển hơn trong những năm gần đây, khi người dân tiếp cận với các phương tiện truyền thông nhiều hơn, xu hướng tiêu dùng cũng có sự thay đổi, nhiều bệnh tật hơn thì người dân mới bắt đầu quan tâm đến việc tiêu dùng sạch nên "Tôi là Thảo mộc" ra đời", bà Phương nói.

Với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống từ những sản phẩm thiên nhiên, Dự án "Tôi là Thảo mộc" cũng từ đó được ra đời vào năm 2019 và phát triển đến hiện tại.

Các dòng sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" được chia thành 2 nhóm gồm: Sản phẩm chăm sóc gia đình (Nước rửa bát, rửa tay, lau sàn) và sản phẩm chăm sóc cá nhân (Gội đầu, súc miệng, xịt thơm miệng).

"Những sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" sử dụng công nghệ sinh học và hợp chất thiên nhiên. Công nghệ này chiết suất các loại cây trồng bản địa. Thay vì khai thác trên các cây trồng ngoại lai, Tuệ Viên sẽ tập trung vào cây trồng bản địa nhiều hơn. Trong đó, ổi là dòng cây chính mà chúng tôi sử dụng công nghệ sinh học của mình để chiết xuất thành những sản phẩm an toàn, sạch từ thiên nhiên", Giám đốc Kinh doanh Tuệ Viên chia sẻ.

Starup dùng công nghệ sinh học giúp người dân "biến lá ổi ra tiền" - Ảnh 2.

Sản phẩm chiết xuất bằng lá ổi bằng công nghệ sinh học. Ảnh Khải Phạm.

Theo bà Phương, từ những phương thuốc nam lâu đời của người xưa truyền lại, lá ổi được sử dụng để điều trị một số bệnh liên quan đến tiêu hóa. Ngày xưa đó là kinh nghiệm, còn bây giờ có khoa học công nghệ có thể chứng minh được trong lá ổi có nhiều hoạt chất kháng khuẩn với hàm lượng cao.

"Nhờ sử dụng công nghệ sinh học, chúng tôi trích đúng hoạt chất kháng khuẩn đó trong lá ổi cần thiết để đưa vào sản xuất các sản phẩm có tỷ lệ diệt khuẩn cao trên các loại khuẩn cơ bản gây ra các vấn đề liên quan đến tiêu hóa đường ruột hay da, phụ khoa", bà Phương nói.

Trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ thiên nhiên, nhờ khoa học công nghệ, chúng tôi làm được 2 việc. Thứ nhất, chúng tôi tối ưu hóa được các loại thảo mộc đó làm sao để khách hàng gội dầu gội tóc không bị bết. Thứ 2, trong thành phần dầu gội đầu của chúng tôi có cả axit amin giúp cho da đầu khỏe hơn, cân bằng lượng pH và các vấn đề về giảm rụng và mọc tóc được phát huy tối ưu nhất.

Bà Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc Kinh doanh Dự án "Tôi là Thảo mộc" của Tuệ Viên. Video Khải Phạm.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng giúp người dân có thêm sinh kế

Startup "Tôi là Thảo mộc" đã đi vào hoạt động được 4 năm, trong hành trình ấy đã có không ít khó khăn bủa vây, đặc biệt đối với một doanh nghiệp tạo tác động xã hội như Tuệ Viên.

Chia sẻ về những khó khăn của "Tôi là Thảo mộc", bà Phương cho hay: "Cũng giống như các doanh nghiệp tạo tác động xã hội khác, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. 

Starup dùng công nghệ sinh học giúp người dân "biến lá ổi ra tiền" - Ảnh 3.

Sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" đạt chứng nhận. Ảnh Khải Phạm.

Đầu tiên là việc nghiên cứu phát triển sản phẩm: Dù đã có chặng đường 15 năm phát triển Nông nghiệp hữu cơ và 11 năm phát triển công nghệ sinh học như "Tôi là Thảo mộc". Tuy nhiên, khó khăn là việc phải tự thân nghiên cứu sản phẩm và liên kết với các chuyên gia".

Thứ 2 là Tư duy tiêu dùng: Hiện nay, vẫn còn nhiều rào cản để người dân có thể tiếp cận được với những sản phẩm như "Tôi là Thảo mộc". Câu hỏi lớn nhất của người dùng: Sản phẩm này có đúng như nhà sản xuất đang nói hay không, giá như hiện tại liệu có thể chấp nhận được hay không so với hàng nhập khẩu.

Thứ 3 là sự cạnh tranh sản phẩm nội địa và nhập khẩu: Cùng là sản phẩm như nhau, nhưng mức giá chênh nhau nên người tiêu dùng thường chọn sản phẩm nhập khẩu. 

Tiếp đến là vấn đề làm thị trường: Khó khăn lớn nhất của các sản phẩm "Tôi là Thảo mộc" là việc đi vào các kênh truyền thống như chợ dân sinh, tạp hóa khá khó để xâm nhập vào thị trường. Thay vào đó, chúng tôi sẽ dùng các kênh online, sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm từ thiên nhiên.

Bà Phương mong muốn nhà nước sẽ có những cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo tác tác động xã hội như hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực...

Starup dùng công nghệ sinh học giúp người dân "biến lá ổi ra tiền" - Ảnh 4.

Định hướng các sản phẩm "Tôi là Thảo mộc" sẽ xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh Khải Phạm.

Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai của "Tôi là Thảo mộc", bà Phương cho biết hiện doanh nghiệp đặt ra nhiều mục tiêu để phấn đấu.

- Đối với doanh nghiệp, mong muốn lớn nhất là tăng doanh thu để nuôi sống được bản thân doanh nghiệp. Nhiều khách hàng tiếp cận được với sản phẩm thực sự tử tế.

- Từ việc bán được lá ổi, chúng tôi mong muốn chuyển đổi người dân sang canh tác bền vững khi doanh thu doanh nghiệp tăng thì người dân được hưởng lợi.

- Mục tiêu tiếp theo, khi càng nhiều người dân nghĩ đến việc bảo vệ hệ sinh thái khi sử dụng bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào hàng ngày. Khi sử dụng các sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" có gây hại gì cho môi trường hay không để từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng. 

Về định hướng trong tương lai, bà Phương mong muốn người dân Việt Nam tiêu dùng những sản phẩm trong nước. Song song việc bán ở Việt Nam, các sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" sẽ đi ra ngoài thị trường quốc tế. Do đó, hiện nay sản phẩm nước rửa bát của "Tôi là Thảo mộc" đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn an toàn ở thị trường Nhật Bản.

Đối với doanh nghiệp tạo tác động xã hội như Tuệ Viên, các sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" chủ yếu làm từ phụ phầm của Nông nghiệp là chính nên ngoài việc tạo ra sản phẩm, chúng tôi còn giúp người dân có thêm sinh kế khi ngoài bán quả ổi còn có thể bán lá ổi để có được khoản thu nhập thường xuyên hơn.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành qua thời gian 7 năm đã mang đến nhiều sự hỗ trợ tích cực cho cộng đồng start-up.

Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia có số lượng nhà đầu tư rất cao, đứng thứ hai chỉ sau Singapore.

Dẫu Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dài hạn tại khu vực Đông Nam Á nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng không tránh khỏi các tác động từ suy thoái chung. Bằng chứng là sau mức đỉnh năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp năm 2022 chỉ đạt 855 triệu USD (giảm 40% so với mức 1,4 tỷ USD năm 2021) , số thương vụ cũng giảm từ 165 (năm 2021) xuống còn 85.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức đầu tư, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem