Sữa Việt và mục tiêu xuất khẩu tỷ đô

07/02/2020 06:26 GMT+7
Từ một nước phải nhập khẩu sữa bột để pha chế, qua 1 thập kỉ, đến nay, sữa hoàn toàn có thể là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD tiếp theo của Việt Nam trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp này đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sữa đạt 1 tỷ USD/năm.

Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi khi hiện nay ngành sữa Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN. Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã nhộn nhịp tăng về số lượng và chất lượng đàn bò sữa.

1.600 con bò sữa cao sản thuần chủng từ Mỹ được đón năm mới Canh Tý ở Việt Nam. Đây là lô bò đầu tiên của kế hoạch nhập khẩu đàn bò 4.500 con giống cao sản của Tập đoàn TH trong năm 2020 và phấn đấu theo lộ trình đến cuối 2021, tổng đàn bò sữa của tập đoàn này đạt khoảng 70.000 con.

Sữa Việt và mục tiêu xuất khẩu tỷ đô - Ảnh 1.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sữa và sánh ngang với nhiều cường quốc sữa.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết, Việt Nam đang có tham vọng lớn trong việc xuất khẩu sữa. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 1,9 tỉ lít sữa với kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD. Đến năm 2020 sản xuất 2,6 tỉ lít, kim ngạch khoảng 130 triệu USD. Và đến năm 2025, sản xuất 3,4 tỉ lít, kim ngạch khoảng 200 triệu USD.

Hiện chăn nuôi bò sữa đã phát triển ở cả 3 miền nhờ có công nghệ cao. Từ đây, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư trang trại và nhà máy ra nước ngoài. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam đang lấn dần trên giá các siêu thị của thế giới và còn có khả năng cạnh tranh với những cường quốc sữa của thế giới như New Zealand, Australia.

Chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân: Trung Quốc

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành sữa dự kiến sẽ "sang trang mới" khi Trung Quốc, thị trường lớn hàng đầu thế giới đã mở cửa cho các sản phẩm sữa xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam. Dù tạm thời chững lại do dịch nCoV, tuy nhiên ngành sữa đặt mục tiêu chỉ riêng xuất khẩu sữa sang Trung Quốc sẽ đạt khoảng 300 triệu USD trong năm nay.

Sữa Việt và mục tiêu xuất khẩu tỷ đô - Ảnh 2.

Sữa và sự thay đổi ngoạn mục trong 1 thập kỷ

Như vậy, thị trường khu vực đã và đang chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục khi 10 năm trước, từ chỗ xa lạ với bò sữa, đến nay Việt Nam đã có 320.000 con với sản lượng 1 triệu tấn sữa. Một số doanh nghiệp Việt Nam trước chỉ nhập khẩu sữa bột từ Trung Quốc về pha lại (trong đó có cả những nguồn nhập khẩu tiểu ngạch, phẩm cấp thấp) thì hiện tại, doanh nghiệp sữa Việt Nam- điển hình là tập đoàn TH - kiêu hãnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc, tạo lòng tin với người tiêu dùng Trung Quốc về dòng sữa tươi, sạch tiêu chuẩn quốc tế tới từ đồng đất Việt Nam.

Nhà tiêu thụ khổng lồ: Mỹ

Đầu năm 2018, NutiFood đã chính thức "về một nhà" với công ty thực phẩm Delori, trong khi đó Vinamilk hợp tác với Driftwood. Đây chính là bàn đạp để cả hai dễ dàng tiếp tục tiến công vào khu vực lân cận và các quốc gia khó tính trên toàn cầu.

Sữa Việt và mục tiêu xuất khẩu tỷ đô - Ảnh 3.

Các công ty sữa dần bước ra thị trường quốc tế

Vinamilk và NutiFood đang liên tục thay đổi mình và đa dạng hóa các sản phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường mới. Đây chính là bàn đạp để cả hai dễ dàng tiếp tục tiến công vào khu vực lân cận và các quốc gia khó tính trên toàn cầu.

Với tỉ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao (Vinamilk với doanh thu khoảng 50.000 tỉ đồng, dẫn đầu ngành sữa nước (xấp xỉ 50%), trong khi NutiFood là khoảng 10.000 tỉ đồng) này thì việc các công ty trong nước như Vinamilk hay NutiFood tham gia những thị trường lớn sẽ là bàn đạp rất quan trọng, đặc biệt với những nhà tiêu thụ khổng lồ như Mỹ.

Mai Trang
Cùng chuyên mục