Tái ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền với AIA, VPBank sẽ nhận về bao nhiêu?
VPBank và AIA Việt Nam đều nằm trong các định chế tài chính dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ.
Kể từ khi thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền bảo hiểm được ký kết lần đầu năm 2017, VPBank luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất và hiện đang đứng thứ 3 toàn thị trường. Cho đến nay, hoạt động phân phối bảo hiểm AIA đã được triển khai ở hơn 250 chi nhánh của ngân hàng.
VPBank chưa công bố giá trị của lần gia hạn này. Trong một báo cáo của công ty chứng khoán Yuanta, các chuyên gia tại đây từng dự báo VPBank sẽ tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí "trả trước" cao hơn, giá trị có thể sẽ tương đương như các ngân hàng khác.
Theo bảng ước tính tại thời điểm đó, chuyên gia phân tích của Yuanta cho rằng VPBank có thể tái đàm phán phân phối độc quyền bảo hiểm với khoản phí 8.000 tỷ đồng.
Thống kê của Phóng viên, trong năm gần nhất (năm 2021) lãi thuần từ kinh doanh và dịch vụ đại lý bảo hiểm của VPBank đạt 2.362 tỷ đồng, giảm so với con số 2.574 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2020.
Quay trở lại với việc tái ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền với AIA, VPBank cho biết, việc nối dài mối quan hệ hợp tác không chỉ là tín hiệu đáng mừng của hai đối tác mà còn là tin tốt dành cho khách hàng. Sự hợp tác sẽ tiếp tục giúp khách hàng tiếp cận và trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm nhân thọ chất lượng hàng đầu, kèm theo các lợi ích ưu đãi của nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Được thành lập từ năm 1993, VPBank hiện là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng được trải rộng trên nhiều phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, tài chính tiêu dùng và quản lý tài sản.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu của VPBank là trở thành ngân hàng bán lẻ đứng đầu trong số các ngân hàng TMCP tại Việt Nam về quy mô kinh doanh, thị phần và chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở đó, VPBank tạo ra lợi nhuận cao nhất cho cổ đông. Mới đây, nhà băng này đã có văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ.
Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu VPB của VPBank chốt phiên giao dịch ngày hôm nay 15/3 tại 36.900 đồng/cp, tăng 2,5% so với phiên trước. Từ đầu năm đến nay, thị giá của VPB đã "cộng thêm" 800 đồng/cp.
Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank năm 2022 có thể đạt 20.512 tỷ đồng, tăng trưởng 40,7%.
Theo MBS, khả năng sinh lợi của VPBank có thể đến từ 3 yếu tố gồm: Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ giúp gia tăng nhanh chóng lợi nhuận của ngân hàng; Chi phí thấp, minh chứng bởi tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất ngành; Thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần vào tăng trưởng nhờ các hợp đồng bancassurance được đàm phán lại và hệ sinh thái phong phú các công ty con.