Sắp trở thành "tân binh" trong TOP thị trường, VPBank Securities đặt mục tiêu tham vọng

16/02/2022 09:46 GMT+7
Đại hội đồng cổ đông của Công ty chứng khoán ASC đã thông qua việc đổi tên thành VPBank Securities. Doanh nghiệp vừa tăng vốn từ 56 tỷ lên 268,8 tỷ trong năm 2021 và có kế hoạch tăng lên 8.920 tỷ đồng năm nay.

Bơm mạnh vốn để VPBank Securities vào top thị trường

CTCP Chứng khoán ASC vừa Công bố Biên bản họp, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. 

Nội dung đáng chú ý trong cuộc họp này là việc cổ đông đã thống nhất thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). 

Đây là động thái mới nhất tại công ty chứng khoán này sau khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã VPB) công bố thông tin về việc thông qua mua/nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Chứng khoán ASC. 

Theo đó, VPBank sẽ mua/nhận chuyển nhượng hơn 26 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 97,42% vốn tại ASCS. Bên chuyển nhượng là các cổ đông hiện hữu của công ty chứng khoán.

Sắp trở thành "tân binh" trong TOP thị trường, VPBank Securities đặt mục tiêu tham vọng - Ảnh 1.

Công ty chứng khoán ASC đã thông qua việc đổi tên thành VPBank Securities. (Ảnh: VPB)

Bên cạnh đó, tờ trình về việc tăng vốn điều lệ năm 2022 đã được thông qua tại ĐHĐCĐ lần này. Theo phương án tăng vốn, VPBank Securities sẽ tiến hành chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá tối thiểu là 10.000 đồng. Nguồn tiền thu được dùng để bổ sung nguồn lực cho mảng kinh doanh môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành. 

Thời điểm thực hiện trong năm 2022 và sau khi có sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời gian thực hiện trong năm 2022 và sau khi có chấp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu hoàn tất 100%, vốn điều lệ của VPBank Securities sẽ tăng vọt từ 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng, tương ứng tăng 33 lần. Với mức vốn điều lệ này, VPBank Securities từ một công ty chứng khoán "ít tên tuổi" trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ hàng đầu trong ngành, chỉ sau Chứng khoán SSI (9.848 tỷ đồng), vượt qua miraeasset (gần 6.600 tỷ đồng); VnDirect (4.349 tỷ đồng).

Trước đó, trả lời câu hỏi tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư mới đây, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh tiết lộ, sau khi đổi tên thành công ty chứng khoán VPBank Securities, VPBank sẽ rót vốn để công ty này nằm trong top CTCK có vốn cao nhất thị trường.

"Mua công ty chứng khoán là chủ trương chiến lược mà Ban lãnh đạo công ty đã quyết định đưa ra, nhằm quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư. Quyết định thoái vốn khỏi Chứng khoán VPS mà VPBank đưa ra 5 năm trước đây là hợp lý vào thời điểm đó, do khi đó vốn của ngân hàng không lớn, lại phải tập trung vào mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, vốn của VPBank rất dồi dào, cho phép ngân hàng có thể quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư", ông Vinh cho biết.

Thay máu dàn lãnh đạo, mục tiêu lợi nhuận sau thuế gấp hơn 105 lần so với năm 2021

Chứng khoán ASC là công ty chứng khoán nhỏ với vốn điều lệ 56 tỷ đồng và đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh từ năm 2016. Tuy nhiên, sau khi về với ngân hàng mẹ VPBank (HoSE: VPB) trong năm 2021, doanh nghiệp tăng vốn mạnh từ 56 tỷ đồng lên 268,8 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty đã hoàn thiện bộ máy quản lý, tập trung vào việc phát triển các sản phẩm công nghệ, hệ thống giao dịch trái phiếu, hệ thống giao dịch cổ phiếu… Vào tháng 10/2021, đơn vị được UBCK chấp thuận bổ sung thêm các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành.

Theo Tổng giám đốc VPBank, trong giai đoạn đầu phát triển, VPBank Securities sẽ không nhắm vào mục tiêu cạnh tranh thị phần môi giới với các công ty chứng khoán trên thị trường mà chủ yếu nhắm vào các sản phẩm để phục vụ nhu cầu đầu tư của khách hàng như: Trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cho vay margin… Đồng thời, công ty cũng bắt tay với công ty chứng khoán khác phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan đến thị trường vốn.

Sắp trở thành "tân binh" trong TOP thị trường, VPBank Securities đặt mục tiêu tham vọng - Ảnh 2.

Nguồn: VPBank Sercurities

ĐHĐCĐ của công ty chứng khoán này vừa thống nhất tăng số lượng thành viên HĐQT từ 3 lên 4, miễn nhiệm ông Nguyễn Tiên Phong và bà Phạm Thanh Huyền, bầu thay thế ông Phạm Phú Khôi (Phó Tổng Giám đốc VPBank), ông Nguyễn Hà Quỳnh và bà Hồ Thúy Nga (Khối Quản trị Rủi ro VPBank). Trong đó, ông Phạm Phú Khôi, Phó tổng giám đốc VPBank, được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Nguyễn Hà Quỳnh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tương tự, các thành viên BKS cũ cũng từ nhiệm gồm bà Nguyễn Thanh Duyên, bà Hoàng Thị Quỳnh Trang và bà Nguyễn Phương Anh; bầu thay thế gồm ông Vũ Hồng Cao, ông Nguyễn Hoàng Phú, bà Nguyễn Thị Bích Hợi.

Thay máu dàn lãnh đạo, ĐHĐCĐ công ty cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy tham vọng của ban lãnh đạo VPBank Securites với doanh thu kỳ vọng đạt 1.509 tỷ đồng, gấp tới 131 số doanh thu hơn 11 tỷ của năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được đặt ra là 632 tỷ đồng, cũng gấp hơn 105 lần thực hiện trong cả năm 2021.

Trong bối cảnh thời gian qua, nhiều ngân hàng lãi đậm nhờ mảng ngân hàng đầu tư (đầu tư chứng khoán, chào bán chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp,  tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp…), Vì vậy, lãnh đạo VPBank cũng tin tươ công ty chứng khoán này sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển lợi nhuận VPBank thời gian tới. Chẳng hạn như Chứng khoán SSI – công ty có số vốn điều lệ dẫn đầu thị trường, ngang ngửa với số vốn điều lệ VPBank Securites dự kiến tăng lên, SSI ghi nhận tổng doanh thu 7.772,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.326,8 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 71,7% và 112,6% so với năm 2020.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục